![]() ![]() Quotes on Happiness ![]() Chữ và Ngĩa (Trúc Huy) ![]() mon Coeur ... (Chế Lan Viên) ![]() in the Fog (Nhất Linh) ![]() Live (Khái Hưng) ![]() my Heart ... (Chế Lan Viên) ![]() (Alphonse Daudet) ![]() Perfect Wisdom (Prajna Paramita) ![]() ![]() Của Mẹ ![]() Photos ![]() ~~ Scenery ~~ |
THẦY N G U Y Ễ N Đ Ì N H T H U Ý ![]() Vầng trán rộng, quầng mắt sâu đầy tình cảm là những nét tôi chú ý khi gặp Thầy Nguyễn Đình Thuý lần đầu tiên ở lớp đệ nhị cao đẳng tiểu học trường Khải Định năm 1937. Niên khoá 1937-1938, Thầy Thuý dạy quốc văn lớp tôi; niên khoá sau, chúng tôi lên lớp đệ tam thì Thầy dạy toán. Trước đó, môn toán đối với tôi là một bãi sa mạc khô khan buồn tẻ, tác thành bởi sự hờ hững tuyệt đối của hai giáo sư, một ở năm đệ nhất trường Cao Đẳng Tiểu Học Thanh Hoá, một ở năm đệ nhị trường Khải Định. Ở lớp đệ tam, gặp Thầy Thuý, sa mạc của tôi được vun tưới, cây cối xanh tốt. Nhờ đó mà dần dần ở các lớp trên tôi tìm được cái đẹp rực rỡ của toán học. Nhưng tôi chắc rằng trong tâm hồn, Thầy Thuý gần gũi với môn văn chương hơn là toán. Không hiểu vì quầng mắt sâu hay gì khác mà tôi nghĩ rằng Thầy Thuý có tâm hồn đa cảm. Có lẽ vì giọng trầm trầm khi Thầy đọc và giảng các bài thơ Việt. Lại nữa tôi có cảm tưởng rằng Thầy Thuý rất khác các giáo sư khác. Cao lớn hơn phần nhiều các Thầy khác, và kín đáo hơn, Thầy là một hòn đảo đứng một mình trong sa mù của kỷ niệm học sinh của tôi về thời gian ấy. Về sau này, cái hình ảnh cá biệt ấy được tô đậm trong trí tôi do một sự tình cờ. Mùa Hè năm 1952, trong khi chiến tranh chống Pháp ở Liên Khu IV bước vào giai đoạn nóng bỏng, tôi và một người bạn thân cõng nhau trên một chiếc xe đạp cũ kỹ, đi từ Hà Tĩnh là quê tôi vào Quảng Bình. Sau hai ngày đường, đến Đèo Ngang một buổi xế trưa, gối mỏi lưng đau, chúng tôi ngả lưng bên đường rồi ngủ thiếp đi. Khi tôi tỉnh dậy, trời đã chiều, xung quanh huyên náo tiếng nói chuyện của một đám đông đàn bà đi chợ đâu từ vùng Ba Đồn trở về. Giọng nói của họ đưa tôi vào một thế giới âm thanh khác hẳn với giọng nói trong bao nhiêu năm tôi thường nghe. Không phải là giọng Nghệ Tĩnh hay Quảng Bình, nặng và không màng tô điểm. Đây là giọng nhẹ nhàng, uyển chuyển, âm điệu gần tựa như giọng Bắc hay Thanh Hoá. Tôi sững sờ vì sự thay đổi đột ngột ấy. Anh bạn tôi, quê ở vùng hạ lưu sông Gianh, giải thích cho tôi biết rằng nhóm phụ nữ ấy thuộc làng Cảnh Dương vùng này. Có lẽ mấy thế kỷ trước, một số người Bắc di cư vào vùng ven biển Quảng Bình, tạo lập nên làng Cảnh Dương, và dân làng ấy ngày nay là hậu duệ của các bậc tiền bối có chí mạo hiểm ấy. Điều đặc biệt là tuy không đào hào đắp luỹ để tự cô lập mình với các đồng bào ở chung quanh, làng Cảnh Dương qua thời gian vẫn giữ giọng nói thánh thót của quê hương cũ. Thầy Nguyễn Đình Thuý, người làng Cảnh Dương, là một hòn đảo ở giữa những người khác. Cũng như làng Cảnh Dương là một hòn đảo giữa miền Bắc tỉnh Quảng Bình nhọc nhằn và can trường. Tôi lớn lên thì Thầy Nguyễn Đình Thuý đi vào cuộc đời tôi một cách mật thiết hơn. Thầy và tôi trở thành anh em “cột chèo”, có bạn trăm năm trong chung một gia đình. Nhưng trước khi có được hạnh phúc vô ngần ấy thì Anh Thuý đã buôn chèo, một mình trôi vào cõi non bồng nước nhược. Tai nạn oan uổng đã dẫn Anh xa lánh cuộc đời, giữa lúc tuổi xuân đang thịnh trị, mới 38 tuổi, vĩnh biệt vợ và đàn con dại. Khi tôi được phép gọi là Anh Thuý thì chỉ còn được nói với một hình bóng, một kỷ niệm; nhưng kỷ niệm ấy bao giờ cũng sống nồng nàn và âu yếm trong gia đình nhạc thân tôi. Tôi còn nhớ mấy tháng trước khi tôi thành hôn, khi ấy Anh Thuý mất đã chừng hai năm, một hôm ngồi một mình với tôi, Chị Thuý mắt buồn lấy trong bóp ra trao cho tôi xem một tấm ảnh. Ảnh đã cũ, rửa với màu sépia quen thuộc của thời ấy; cũng nét mặt trang nhã, cũng quầng mắt sâu đậm ấy. Chị nói nhỏ, gần như không nghe tiếng: “Đây là hình ảnh tình thương tuyệt đích của Chị.” Chị nói bằng tiếng Pháp, nên trong trường hợp ấy, từ ngữ thiết tha và êm dịu hơn lời dịch thô thiển của tôi ở trên. Chị Thuý tôi cũng từ trần đã lâu. Tôi nghĩ rằng, cho đến khi Chị mất, trong bóp vẫn còn xếp tấm hình cũ kỹ ấy. [Trích Tập san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, số Kỷ Niệm 100 Năm Trường Quốc Học (1896-1996), Dallas, 1996, trang 73.] *** Bài đọc thêm : *** Trang Gia Đình : ~.~ GÓC VƯỜN CỦA MẸ ~.~ ![]() |