HOME

My favorite
  Quotes on
  Happiness

Mạn Đàm về
  Chữ và Ngĩa
  (Trúc Huy)

École de
  mon Coeur ...
  (Chế Lan Viên)

A Silhouette
  in the Fog
  (Nhất Linh)

You Must
  Live
  (Khái Hưng)

School of
  my Heart ...
  (Chế Lan Viên)

Heart of
  Perfect Wisdom
  (Prajna
  Paramita)

Book Review

Góc Vườn
  Của Mẹ

My Family
  Photos

Viet Links

Email :)

  ~~ Scenery ~~ 



ÔNG NỘI TÔI VÀ NGÔI NTRÊN ĐỒI QUẢNG TNAM GIAO
THIẾT-TRANH TRẦN


Trên đỉnh đồi Quảng Tế, một ngôi nhà gạch, ngói đỏ, bình dị, không tô kẻ rồng phụng kiểu cách kiêu kỳ, nhưng đầy đủ vẻ yên bình và khang trang cho Ông tôi về an dưỡng hưu trí vào năm 1964 cùng với Bà sau những thăng trầm của vận nước và một thời công hầu khanh tướng áo mão chốn Nam Triều. Trước ngày hồi hưu, Ông Nội tôi còn giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia Liên Hiệp và Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời một thời gian.

Nhà Ông tôi không cách Chùa Châu Lâm và Đài Tế Nam Giao là bao xa. Sân trước nhà rộng trải dài thoai thoải, Ông tôi cho trồng hoa mai, hoa đào, hoa cúc, thược dược, cẩm chướng… Ngày ngày Ông bách bộ quanh vườn tưới tẩm để đến mùa xuân hoa nở rộ một vòm trời tươi thắm. Những ngày hè oi ả, Bà Nội tôi thường ra ngồi ở hàng hiên đón gió mát và ngắm cảnh chiều tà mặt trời lặn khuất dần sau rặng núi. Dọc hai bên đường cái quan dẫn đến nhà Ông tôi là hàng thông dương liễu với tàn lá xanh tươi bốn mùa, bao quanh là cảnh núi non trùng điệp hùng vĩ.

Ngôi nhà Ông tôi ấm cúng là thế! Vào năm 1965, có Cô Đốc Thuý, con gái đầu của Ông Bà và chị Quỳnh Chi, con gái út của Cô, về ở cùng với Ông Bà tôi. Chị Quỳnh Chi và tôi, hai chị em con cô con cậu, cùng lứa tuổi nên rất thân nhau, mỗi khi gặp mặt là trò chuyện ríu rít không ngừng. Khu nhà ngang còn có o Gẫm và con trai tên Hoành ở giúp việc cho Ông Bà tôi. Hằng tuần Mẹ tôi mang đến các món đặc sản như bún bò Huế hoặc cháo hay chè hạt sen đậu ngự. Có lúc Mẹ tôi không đi được thì đứa con trai của o giúp việc trong nhà Ba Mẹ tôi lại đánh đường xe buýt mang thức ăn lên cho Ông Bà. Ba Mẹ tôi tuy ở trong thành phố Huế, gần Bến Ngự, nhưng Ba tôi vẫn lái xe Dauphine đưa gia đình lên thăm Ông Bà thường xuyên. Thế là sớm tối Ông Bà có con cháu hủ hỉ tuổi già. Từ nhà Ông tôi, có lối đi băng trên đồi sang Ông Chú Thông Dực ở nhà thờ Trần Tộc và nhà Ông Bác Điện. Hai bên con đường mòn, cỏ xanh chen lẫn với những bụi sim tím và khóm mâm xôi, cứ vào đầu hạ lại đơm hoa nẩy lộc với những chùm sim tím mọng và những quả mâm xôi vun đầy đỏ au như mời mọc chị em chúng tôi.

Đâu đây tiếng chuông chùa ngân vang trong bầu không khí tĩnh mịch của buổi chiều tà như đưa tâm hồn người về với cõi Niết Bàn vô biên. Nghe tiếng chuông chùa, Ông Bà tôi đến quỳ lạy trước bàn thờ Phật. Vốn rất mộ đạo, Ông Bà tôi tôn kính Ôn Châu Lâm là vị Hòa Thượng trụ trì ngôi chùa trên ngọn đồi kế cận đồi Quảng Tế. Ông Bà tôi hay đi chùa lễ Phật, cúng dường trai tăng. Vào những ngày tự tứ trăng rằm, vía đản Phật, Bà tôi thường sám hối, ăn chay. Ông Bà tôi cũng nhiều lần sắm sinh hoa quả lễ vật mời Ôn Châu Lâm và tăng chúng trong chùa cùng sang nhà Ông Bà chuông mõ tụng niệm.

Ông Chú Thông Dực cùng gia đình hai con trai của Ông là Chú Tường, Chú Huyên đều ở giữ nhà thờ Trần Tộc, và Ông Bác Điện là những chi nhánh trong họ Trần mà Ông Bà tôi rất quý chuộng. Và đáp lại, họ hàng gần xa đều một lòng quý mến Ông Bà tôi vì Ông tôi lúc nào cũng trân trọng bày tỏ chân tình cùng bà con trong tộc họ. Những ngày đầu Xuân, lễ lạc cúng giỗ tổ tiên, họp mặt họ hàng, tiếng chào hỏi ân cần và chuyện trò hàn huyên như còn văng vẳng bên tai tôi của một khung trời kỷ niệm. Trong đời còn gì quý giá hơn là gia đình họ hàng được sống quây quần an vui trong tình thân gia tộc xóm giềng!

ooOoo

Cho đến một ngày Bà Nội tôi trở bệnh nặng, biết trước không qua được mệnh Trời, Ông Bà họp bàn cùng con cháu để xây đắp sẳn hai sinh phần trên thửa đất bên sườn đồi trong vườn nhà Ông tôi, trên mảnh đất lịch sử mà Ba Mẹ tôi đã từng đóng góp mười hai lạng vàng để Ông Bà Nội tôi mua tậu (mười hai lạng vàng là của hồi môn do Bà Cố Ngoại tôi cho Mẹ tôi lúc về nhà chồng). Một công trình xây cất đã bắt đầu. Phiến đá cẩm thạch (1) mà Ba tôi đã dày công chọn lựa để khắc tên Ông Nội cùng tước vị của Ông lúc còn tại chức trong Nam Triều đã được gắn lên bức bình phong trước ngôi mộ sinh phần của Ông. Ba tôi thường chở Mẹ lên coi ngó cai thợ xây lăng và kim tĩnh trước cho Ông Bà. Mẹ tôi còn đem cả dù và nón lên ngồi nhắc nhở cai thợ tô nắn rồng phụng rất kỹ, luôn cả mấy tháng trời mới xong hai sinh phần cho Ông Bà.

Các Cô Chú ở Sàigòn, Cô Thương Thương, Cô Chi Thuần, Chú Minh Đạo, Cô Khanh Tương, đều lần lượt đưa gia đình về viếng thăm Bà Nội lần cuối. Tôi còn nhớ Cô Chi Minh sau bao năm xa cách, từ xứ lạnh Gia Nã Đại đã trở về quê hương cả tháng dài, sáng tối chăm sóc Ông Bà vào những ngày tháng cuối đời Ông Bà Nội. Chỉ thương cho Bà tôi vì lâm trọng bệnh, một đời mệnh phụ phu nhân đã đi về cõi tĩnh lặng, để lại nỗi thương nhớ không nguôi cho Ông tôi. Đám tang Bà Nội tôi có rất đông họ hàng cháu chắt đến đưa tiễn. Chuỗi ngày dài của Ông tôi có lúc bớt phần hiu quạnh khi anh Thâm, con Cô Đốc Thuý, nhân nghỉ hè năm 1966 đã cùng với Công Tích, con trai đầu của Chú Minh Đạo, đánh đường từ Sàigòn về Huế thăm Ông và ở lại cả tháng trời với Ông tôi cùng Cô Đốc Thuý và chị Quỳnh Chi.

Từ ngày Bà mất đi vào năm 1965, tinh thần Ông tôi sa sút hẳn, rồi cứ thế Ông đi dần vào chứng lãng tâm của người già. Tôi đã đôi ba lần đưa Ông Nội đến nhờ một vị thầy của tôi ở trường Đại Học Y Khoa, đó là Giáo sư Erick Wulff, người Đức, trưởng khoa về Thần kinh và Tâm lý học thuộc Đại Học Y Khoa Huế theo dõi và chữa trị. Tôi còn nhớ rõ một lần, bên trong phòng khám của Giáo sư Wulff, Ông Nội ngồi xê dịch bên mé giường khám. Tôi hỏi Ông tôi: “Tại sao Ông Nội ngồi ra xa? Ông xích lại gần đây để Giáo sư Wulff khám chứ!” Ông Nội thản nhiên trả lời tôi: “Ông nhường chỗ cho nhiều người đang đứng ở đây!” Mặc dầu trong phòng khám lúc ấy không có ai ngoài Giáo sư Wulff, Ông Nội và tôi!

Vị giáo sư trầm tĩnh, xem xét từng cử chỉ động tác của Ông tôi và hỏi rất kỹ về bệnh sử trong khi tiếp tục khám từng chức năng thần kinh. Ông tôi còn được hẹn tái khám để cho thêm ít thử nghiệm về thần kinh học. Lần sau cùng, Giáo sư Wulff kết luận, Ông tôi mang chứng bệnh lãng trí của người già (senile dementia).

ooOoo

Ông tôi tuy không thổ lộ cùng con cháu nhưng nỗi buồn xa vắng Bà, người bạn đời trăm năm dường như làm cho Ông ngày càng lẩn thẩn hơn. Cô Đốc Thuý cùng chị Quỳnh Chi, vì phải theo về với gia đình chị Diên Chi là con gái đầu của Cô ở Nha Trang, đã quyết định rời khỏi ngôi nhà Ông tôi. Chỉ ít lâu sau đó thì các Cô, Chú em Ba tôi đưa Ông Nội vào Sàigòn để cùng chăm sóc một thời gian. Thế là Ông tôi lại xuôi Nam về cùng.

Ngôi nhà Ông Bà tôi trên đồi Quảng Tế một độ nào xôn xao tiếng nói cười, nay đã chìm vào lặng lẽ. Theo Ba Mẹ đến viếng mộ Bà Nội bên sườn đồi, tôi đứng tần ngần trước cảnh vật đổi thay. Từ nhà ngang, có bóng o Gẫm lom khom bước ra cùng với con trai là Hoành khệ nệ bưng mâm hoa quả và bó hương trao Ba Mẹ tôi để cúng Bà. O vừa đi vừa nói: “Trời! Mừng quá! Gặp được ông bà bữa ni! Từ ngày Cụ Ông và Bà Đốc với gia đình đi thì nhà vắng vẻ buồn hiu, chỉ còn có mẹ con tui! Lạy trời! Tui cũng lo xuốt quét nhà cửa, lau bàn thờ Phật. Chiều chiều thì tui chạy lên mộ Cụ Bà vun quén cho sạch.

Ba Mẹ và tôi lần lượt bước ra đứng ngay ngắn trước mộ Bà lâm râm khấn khứa, rồi vái lạy. O Gẫm chép miệng: “Mô Phật! Cụ Bà mất rồi, Cụ Ông buồn nhớ, bà Đốc thì theo con về Nha Trang! Thôi thì mẹ con tui nhờ Cụ với Ông Bà cho ở được ngày mô, tui cám ơn ngày nấy.

Ba tôi ngắt lời: “O yên tâm! Hai Cụ cũng thương o thiệt thà. O cứ ở đây với thằng Hoành. Hai mẹ con coi trong ngó ngoài cho Cụ là được.

Tiếng chuông chiều bỗng vang vọng lên như thức tỉnh lòng người về vạn vật, vạn pháp vô thường nay còn mai mất biến huyễn không ngừng trong hoàn vũ. Ráng mây chiều vàng óng phản chiếu lên những cánh vạc bay mất hút dần nơi chân trời...

( Còn nữa )


THIẾT-TRANH TRẦN



(1) Sau Tết Mậu Thân, phiến đá cẩm thạch khắc tước vị Ông Nội thời còn tại chức đã bị kẻ phá hoại đập phá.


***  Trang Gia Đình :  ~.~  GÓC VƯỜN CỦA MẸ  ~.~
      - Trần Thanh ĐạtDi Cấu Từ Đường
      - Trần Thị Hồng CẩmDuyên Thơ  (Trích tập thơ DUYÊN THƠ, 1948)
      - Trần Thị Hồng CẩmCảm Đề Bức Tranh Nhật  (Trích tập thơ DUYÊN THƠ, 1948)
      - Phạm QuỵThầy Nguyễn Đình Thuý  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1996)
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần I
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần II
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần III
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần IV
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần V
      - Thương ThươngDặm Mòn (Chốn Cũ)
      - Trần Thanh DiệuTiếng Sấm Đầu Mùa
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Cây Thế Hệ
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Phần I , Phần II , Phần III , Phần IV
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Phòng Nghĩa
      - Khanh TươngDo you think the dead can communicate with us?
      - Diên ChiCái Vùng Nắng Sáng Ngày Xanh Ấy...
      - Diên ChiKhung Trời Tuổi Ngọc  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1995)
      - Diên ChiBa Tôi  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1996)
      - Diên ChiHương Phấn Trùng Khơi  (Trích tập thơ HƯƠNG PHẤN TRÙNG KHƠI, 1998)
      - Trúc HuyPlaying In The Middle… / Chơi Giữa Mùa Trăng (Hàn Mặc Tử)
      - Trúc HuyThe Stars / Les Étoiles (Alphonse Daudet)
      - Trúc HuyNhững Vì Sao / Les Étoiles (Alphonse Daudet)
      - Trúc HuyVài Kỷ Niệm Về Trường Lycée Français Huế (I & II)
      - Trúc HuyVoici Le Hameau Vỹ Dạ / Đây Thôn Vỹ Dạ (Hàn Mặc Tử)
      - Trúc HuyBản dịch Anh-Pháp bài “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”
      - Trúc HuySchool Of My Heart… / Bỏ Trường Mà Đi (Chế Lan Viên)
      - Trúc HuyÉcole De Mon Coeur… / Bỏ Trường Mà Đi (Chế Lan Viên)
      - Trúc HuyTường Thuật Về Một Giấc Mơ Kỳ Lạ
      - Trúc HuyYou Must Live / Anh Phải Sống (Khái Hưng)
      - Trúc HuyA Silhouette In The Fog / Bóng Người Trong Sương Mù (Nhất Linh)
      - Quỳnh ChiSouvenirs de Huế avec ma Mère et sur la colline Quảng Tế à Nam Giao
      - Quỳnh ChiEssais d'interprétation - Un Rêve Étrange et Merveilleux
      - Thiết-Tranh TrầnÔng Nội tôi và ngôi nhà trên đồi Quảng Tế Nam Giao
      - Lang-Hoàn PhạmA Place Called Childhood
      - Lang-Hoàn PhạmOutside The Frame
      - Anna Quỳnh-Châu TrầnMaman - poème  (Prix PLUME D'OR 1990)
      - Văn TuyểnAnh Phải Sống, Bóng Người Trên Sương Mù, Chơi Giữa Mùa Trăng, Tôi Đi Học, Bỏ Trường Mà Đi, Bông Hồng Cài Áo, Buổi Chiều Hằng Cửu ...