![]() ![]() Quotes on Happiness ![]() Chữ và Ngĩa (Trúc Huy) ![]() mon âme (Chê Lan Viên) ![]() in the Fog (Nhat Linh) ![]() Live (Khai Hung) ![]() my Heart ... (Chế Lan Viên) ![]() Perfect Wisdom (Prajna Paramita) ![]() ![]() của Mẹ ![]() Photos ![]() ~~ scenery ~~ |
Hồi Ký của THƯƠNG THƯƠNG Falls Church, 7 tháng 10 năm 1995 Kính Thầy Cô, Hôm nay được biết Cô có khoẻ hơn một chút nên con xin viết thơ kính thăm Thầy Cô và kể chuyện dông dài để Thầy Cô đọc cho vui, mong Thầy Cô quên bớt những ngày thu đã bắt đầu ảm đạm. Đầu năm 1950 chúng con về ở vùng Châu Phong trên bờ đê sông La Giang, đời sống tuy thiếu thốn vất vả nhưng chúng con vui lắm. Lúc ấy chúng con ở gần gia đình cụ Phan Thanh Thiệu, cụ xem chúng con như con ruột, và chúng con cũng xem hai cụ như cha mẹ. Hai cháu nhỏ của con gọi hai cụ là “Ông Bà Ngoại chiến khu”. Anh Trần Đình Gián, chồng chị Ty Ty (con đầu hai cụ) dạy trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng với Anh Quỵ con, cụ bà lo về phòng y tế của trường, Bích Túy (em Kim Hoàn) làm thư ký ở trường. Cô còn nhớ Kim Hoàn có học với Cô một tuần, sau lớp đông quá phải đổi qua lớp cô Hoàn, Kim Hoàn và con khóc hết nước mắt? Lúc ấy con, tuy xa gia đình, mà như có tình gia đình ấp ủ. Ngày nào cụ bà cũng ghé thăm các cháu trên đường đi làm về; và em út Kim Hoàn là Thái Hà, lúc ấy chưa đi dạy, cứ phiên chợ là ghé qua nhà con, nếu nhằm ngày nghỉ thì con cùng đi chợ với em, nếu không thì em đi chợ cho con, có khi đi chợ nhằm lúc may có mua con cá thì em ghé lại nhà kho cá rồi để đó đi về vì ở ngoài ấy không nhà ai đóng cửa. Lúc Anh Quỵ con đau thương hàn (cả gần hai tháng) con gởi cháu Dương nơi ông nội cháu, còn cháu Lang Hoàn lúc ấy mới độ 5 tháng con gởi nhà hai cụ Thiệu, chị Ty Ty cho bú thép (vì chị có con lớn hơn cháu Hoàn gần một năm mà còn bú mẹ) và Bích Túy, Thái Hà thì ru hời ru hỡi, ban đêm cháu khóc lại có cả cụ ông cũng bồng ẵm nữa. Biết bao ân tình nên chúng con thật sự được tình gia đình ấp ủ. Nhưng hè năm 1950 thì trường chuyên khoa dời về Bạch Ngọc. Anh Quỵ con không đi theo vì nếu đi phải xa gia đình một thời gian, con phải xin phép đổi và phải xem ở Bạch Ngọc, vùng ấy có trường trung học và có thiếu thầy mới được, thành ra anh con ở lại thì dạy chung trường Phan Đình Phùng với con, lớp Tú tài. Cũng nhiều thầy xin ở lại vì quen nơi quen chốn, vì nhà ở đã ổn định... Cụ Nguyễn Duy Quang, cụ Hoàng Mộng Kham, anh Tôn Thất Uẩn... đều về dạy trường con. Chúng con buồn thắt ruột lúc tiễn anh Gián, chị Ty Ty, Thái Hà và các cháu xuống thuyền; mấy ngày sau, hai cụ Thiệu và Bích Túy cùng anh bạn của Bích Túy, sau này là chồng Bích Túy, thì đi bộ qua Bạch Ngọc. Chúng con không ngờ ngày chia tay trên bờ sông La Giang, vào một buổi sáng tinh mơ mùa thu mây bàng bạc, cho đến nay hơn 45 năm rồi! Lúc bấy giờ chúng con, nhất là con, thật sự cô đơn, nhìn quanh nhìn quất không một người bà con. Đồng nghiệp thì đông nhưng lúc ấy đã đến cái giai đoạn “không ai tin ai được”, vợ có thể đi tố chồng, con cái có thể báo cáo về cha mẹ, cho nên bạn bè chuyện trò thân mật chắc đếm chưa tròn bàn tay. Với bao nhiêu biến chuyển dồn dập về đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, bao nhiêu chuyện mắt thấy tai nghe... chúng con thật sự mất hết tinh thần, lòng nhiệt thành của thuở thiếu thời, niềm vui hồn nhiên của tuổi thanh xuân... không còn nữa. Tuy không nói ra nhưng trong lòng chúng con, và chắc là nhiều bạn bè chúng con, mang nặng một ước mong “Thoát”. Hồi ấy vùng con ở chưa có ai trốn đi được, nhưng những vùng xa hơn, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hoá... đã có nghe bạn bè quen biết thoát được, người ngoài ấy dùng chữ “dinh tê”, họ bảo là đi vào vùng Tề. Và mấy người cán bộ gọi những người bất mãn với chế độ và những người đi trốn là bọn “tạch tạch xè” ( T.T.X. = Tiểu tư xản (sản) ). Đầu năm 1951, sáng ngày mồng một Tết năm Mão, con ra chơi với hai cháu nhỏ ngoài vườn thì gặp cụ Hàn Cung khăn áo chỉnh tề đi chơi xuân. Con vội chào và chúc Tết cụ, mời cụ vào nhà xơi nước. Cụ bảo: “Tôi phải vào cụ Nguyễn Duy Quang và cụ Hoàng Mộng Kham, các cụ đợi. Nhưng mừng anh chị sang năm “Ngộ Phụ, Ngộ Tài, Ngộ Quang”. Con thưa lại: “Chúng con gặp lại cha tức là cha mẹ, được có tài lộc, được gặp ánh sáng tức là sung sướng?” Cụ bảo: “Đúng”. Con mừng quýnh và ngớ ngẩn hỏi lại: “Bẩm Cụ, con làm sao gặp được Thầy Mẹ con, thế thì mình đánh vào thấu trong Huế, hay Tây đánh ra đến đây?” Cụ cười xoà bảo: “Cứ hẵng nhớ lời tôi bảo, còn việc kia thì “thiên cơ bất khả lậu”. Chúng con rất phấn khởi vì đầu năm được một niềm hy vọng nhưng chúng con cũng chỉ biết chờ đợi tin lành được hiện thực chớ chẳng biết làm gì. Đến đây con xin ra ngoài lề một chút để nói vài lời về cụ Hàn Cung. Cụ người làng Đôn Mỹ, tỉnh Hà Tĩnh, một nhà nho xưa, có chút ít ruộng vườn, và rất giỏi về số tử vi, tướng số, nhâm độn... Khi con biết cụ thì cụ cỡ 60 tuổi. Chúng con nghe nói cụ xem số tử vi cho các ông khâm sứ, ông toàn quyền, các cụ, các quan... giỏi lắm nên được hàm Hàn lâm viện. Riêng về phần chúng con thì cụ có nói một việc thật lạ và tài lắm. Đã từ lâu, kể từ 19 tháng 12 năm 1946, khởi điểm toàn quốc kháng chiến, con hoàn toàn không liên lạc được với gia đình, năm 1947 con sinh cháu đầu, đánh điện tín về nhà, điện tín cũng bị trả lui, thế là hoàn toàn biệt vô âm tín. Hè năm 1950 có hội nghị Rèn Cán Chỉnh Cơ (rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn cơ quan) họp tại Hà Tĩnh, gần làng Đôn Mỹ, riêng cho giáo dục. Sau khi họp một tuần xong, có 5 anh bạn của Anh Quỵ con bảo Anh Quỵ con cho họ đi xem cụ Hàn Cung (sau này chúng con mới biết là các anh đi đều để hỏi về việc đi trốn). Anh Quỵ con đem đi. Lúc các anh xem xong ra về thì cụ gọi Anh Quỵ con lại bảo là cụ muốn nói chuyện, cụ biết Anh Quỵ con vì cứ đem bạn đi xem cụ luôn va cụ quen ông nội các cháu. Cụ bảo: “Anh chị sắp được một số tiền đang trên đường đến đây, không mà, vừa đến rồi. Có một điều lạ là số tiền đáng lẽ 400.000$ mà sao tôi thấy có 4.000$”. Chúng con hoang mang vô cùng và cũng lạ lùng nữa. Hội nghị xong chia tay về nhà là ngày chủ nhật. Sáng thứ hai (còn nghỉ hè) trường cho người đến gọi con ra trường lãnh tiền ngân phiếu gởi. Con ra trường nhận được 4.000$ và một cái thư của chú con. Trong thư bị xoá đen nhiều hàng. Tối ấy chúng con thắp đèn lên, soi thư trước đèn thì đọc rõ được chỗ xoá đen. Chú viết: “Thầy Mạ gởi cho Em 1.000$ Đông Dương, chú phải đổi ra được 400.000$, gởi ra cho Em.” Thì ra họ lấy hết, chỉ giao lại cho con 4.000$. Chúng con đọc ra được câu ấy mà run sợ, mất tiền quá nhiều là cái lẽ tất nhiên, mà sợ vì lời cụ Hàn Cung. Cụ lại còn bảo là: “Đến ngày 12 tháng 6 âm lịch sẽ được một số tiền lớn hơn nhiều, và do một người thanh niên gầy, da đen lắm, đem đến”. Ở ngoài ấy không nhà ai có lịch, hiếm lắm, ở trường có nhưng chúng con vừa nghỉ hè thành ra ngày âm lịch không biết gì cả, chúng con chỉ biết ngày theo phiên chợ. Chợ không họp hàng ngày mà họp phiên, chợ này thì ngày 3, 7; chợ kia thì 2, 5, 9... nghĩa là có chợ ngày mồng 3, mồng 7, 13, 17, 23, 27 và chợ kia mồng 2, mồng 5, mồng 9, 12, 15, 19, 22, 25, 29 tháng âm lịch. Hôm ấy phiên chợ, con ra đi chợ sớm (bom đạn lúc này chưa nhiều ở vùng này nên chợ họp ban ngày) cắp cái nón và cái rổ nơi tay, con đang bước nhanh trên đường đê lộng gió, bỗng phía ngược chiều con đê một người rảo bước đến gọi lớn: “Chị Thương Thương!” Con sững sờ nhìn người thanh niên, gầy nhom và đen như cột nhà cháy, không biết là ai. Anh ta vội nói: “Em là Phong, em chị Bạch Lan, Chị không nhớ em sao?” Thì ra là em của chị dâu con, mà ngày trước anh ta không đen và không gầy thế nên con nhận không ra. Thế là chúng con trở về nhà và anh ta lấy ra dưới gót giày đưa cho con một bức thư và một lượng vàng. Hôm ấy đúng là ngày 12 tháng 6 âm lịch. Trong hè ấy, một hôm chúng con đem các cháu về thăm nhà (ông nội các cháu), cụ gọi riêng Anh Quỵ con bảo tìm cách trốn đi. Anh Quỵ con thưa là cả gia đình ở đây, làm sao anh con bỏ đi được. Cụ bảo: “Thầy già rồi, có sống thêm cũng 5, 7 năm thôi. Đời các con còn dài, đời các cháu lại dài hơn nữa; anh em đã lớn cả rồi, Thầy trông mong đứa nào đi được thì mừng đứa ấy. Con không lo được cho anh em đâu, mỗi người phải tự lo lấy.” Thế là từ đó chúng con mới nghĩ đến chuyện trốn mà cũng cứ chờ đợi một cơ hội may chớ chẳng biết làm gì. Những ngày đầu hè khá êm ả phút chốc không còn nữa. Chiến tranh lan rộng, chính trị bước qua một giai đoạn mới, đời sống xáo động, thiên tai, bom đạn..., con người bị xoay như một con chong chóng trong cơn gió lốc... cho nên khát vọng tìm tự do cũng như một ảo tưởng bị quên lãng, lắng chìm trong tiềm thức. Sau khi vùng ven đê Châu Phong bị bom Napalm thiêu rụi (tháng 6 - 1951), lúc trở lại trường, thiếu mất cụ Nguyễn Duy Quang và cụ Hoàng Mộng Kham. Thế là nhóm người thân tình của chúng con lại vắng thêm. Ngày học tập chính trị đầu tiên trong niên khoá ấy, chính trị viên tuyên bố: “Chính phủ đưa hai đồng chí N. D. Quang và H. M. Kham đi công tác xa trong một thời gian dài”. Họ không muốn cho chúng con thấy có người bất mãn đã trốn đi. Một hôm vào một ngày chủ nhật không có công tác, lại có mấy anh bạn nhờ Anh Quỵ con đem đi cụ Hàn Cung. Sau khi các anh hỏi xong rồi ra về, cụ kéo Anh Quỵ con ở lại, các anh chờ ngoài cổng, cụ bảo: “Tôi nói sang năm Ngộ Phụ, Ngộ Tài, Ngộ Quang, đã hết năm nay rồi, mình phải làm, Trời mới giúp, chớ không phải ngồi thế mà chờ. Phải đi, chị đi trước, Anh đi sau, không thể đi chung được. Phải nghe lời tôi chớ đừng cãi lời tôi mà bị bắt như ông Phan Thúc Huỳnh (con cụ Phan Thúc Ngô), ông nóng ruột đi trước ngày tôi dặn. Nghe nói không đi chung một lần thì Anh Quỵ con hoảng sợ, cụ vội bảo: “Tôi cam đoan với Anh là hai ông bà và các cháu sẽ lại đoàn tụ. Chị phải đi trước, mọi việc sẽ yên ổn giống như Ông Trời che mắt mấy người công an lúc chị đi trước mặt họ. Phải xúc tiến việc ra đi, gấp kẻo không kịp. Nhớ, chị đi trước, Anh đi sau, phải nghe lời tôi.” Từ đó cứ ban đêm độ 2, 3 giờ sáng, Anh Quỵ con giả bộ đi ra vườn, đi một vòng quanh xem có ai lai vãng, rồi vào nhà cùng con bàn bạc tỉ tê trong đêm tối, vừa giải thích, vừa năn nỉ, vừa doạ... Con sợ quá, khóc hết nước mắt, nhưng cuối cùng chỉ có một con đường sống cho anh và các con, nên con bằng lòng đi trước một mình. Đúng ra không phải là bằng lòng mà đánh liều bước một bước dài mà không biết chân sẽ đặt trên nền đất cứng chắc hay hụt hẵng trên vực thẳm, thật đúng là: Cũng liều nhắm mắt đưa chân, Một vấn đề đã được giải quyết nhưng còn việc quan trọng là đi ra sao, đi đường nào, ra Phát Diệm hay vào Đồng Hới, có ai dắt đường chỉ lối... chúng con hoàn toàn không biết gì cả, thành ra chúng con lại rơi vào tình trạng bất động chờ thời. Hồi ấy người ta hay đi ra Phát Diệm. Ở Nghệ An và Thanh Hoá đi ra Phát Diệm gần và dễ, còn con ở Hà Tĩnh thì xa và khó khăn lắm. Chúng con cũng có nghe nói có ít người đi đường Đồng Hới. Bỗng một hôm con được thư của chị Nguyễn Thị Hạc (anh Đặng Phúc Đỉnh, chồng chị Hạc, là anh con cậu của con), chị bảo con đến nhà anh chị bác sĩ Thái Can cho chị gặp. Anh Đỉnh và chị Hạc lúc trước dạy chung với Anh Quỵ con. Khi trường chuyên khoa dời đi Bạch Ngọc (gần Đô Lương, Nghệ An) anh chị đi theo, chúng con ở lại. Anh Quỵ con và con đến thăm chị. Thì ra chị vừa ở Huế ra. Chị lấy cớ đau, xin nghỉ việc, rồi làm đơn xin đem con về Huế gởi cho gia đình, rồi chị trở lại. Chị bày cho con làm đơn xin đi. Lúc đầu chúng con làm đơn xin đi cả gia đình vì Anh Quỵ con đau, đang được nghỉ dài hạn. Đơn không được chấp nhận. Con làm đơn lại xin cho con đem hai con về gởi cho gia đình và xin thuốc men đem ra. Một thời gian đơn bị trả lại vì lý do “chỉ cho phép đem một đứa con”, còn một đứa ở lại làm con tin. Thế là con làm đơn lại đề tên cháu trai vì cháu lớn. Nhưng con nói với Anh Quỵ con họ bắt đề tên một đứa thì con đề tên một đứa, nhưng lúc đi con nhất định đem cả hai, nếu Trời cho thoát được thì cùng thoát, nếu bị bắt lại thì cùng chịu khuất phục số mạng, chớ để lại một cháu biết Anh Quỵ con có lo cho cháu nổi không, và lúc anh trốn, có đi được cả hai không. Xa một đứa con, thà là con ở lại. Lúc con làm đơn xin đi thì phải gởi theo hệ thống hành chánh, trường con gởi đơn và trong trường ai cũng biết hoàn cảnh gia đình con, một năm 365 ngày không có ngày nào không có người đau, nên ai cũng cầu mong cho con được đi. Và việc ra đi của con thành công khai. Nhiều người có cảm tình với chúng con, tuy rằng thường ngày không phải trong nhóm bạn tâm giao, bày vẽ đủ mọi điều. Và có một anh bạn trong trường, người hiền lành, thật thà, gốc Quảng Bình, ở làng Văn Phú, một hòn đảo lớn cách đồn Quảng Khê độ 5, 6 giờ đường thủy. Hè nào có một lúc rảnh, anh ấy cũng đi theo mấy người đi buôn bán, có khi yên thì về được nhà thăm cha mẹ, lúc không yên thì cũng gặp được người làng đi buôn bán để nhắn nhủ tin tức. Anh tốt bụng thấy chúng con hoang mang lo lắng, anh bảo nếu đi đường Quảng Bình thì anh sẽ đưa đi, về đến làng anh thì thuê thuyền đến Quảng Khê. Chúng con mừng quá sức, giống như bỗng nhiên có một vị thiên thần từ trên Trời xuống để giúp vậy. Thế là chúng con lo chuẩn bị, chờ có giấy tờ là đi. Đường đi sẽ mất mấy ngày, ban ngày đi bộ trong rừng cứ theo đường rầy xe lửa mà đi, ban đêm có chỗ đi thuyền nếu có sông, còn không thì kiếm chỗ nghỉ. Trước hết phải kiếm mỗi người một vài khúc lồ ô lớn, dài vừa đủ che hai cánh tay dưới vì đi rừng hay gặp mấy con đười ươi, dễ sợ lắm. Nó gặp mình là chụp hai tay không làm sao thoát được. Trước khi nó cào cấu thì nó sung sướng cười, thành ra phải để ý lúc vừa thấy nó thì cho hai cánh tay vào ống lồ ô, cho nó cầm cái ống, chờ lúc nó híp mắt cười ngắc nghẻo thì lẹ làng rút tay ra và thoát cho mau lẹ, nó vẫn nắm cái ống và cười. Việc thứ hai là đi xin cái ruột xe đạp cũ cắt sẵn mấy khoanh cao su (ngoài ấy không có giây thun) vì đi rừng lúc trời mưa hay sau khi mưa, con vắt, đĩa rừng, nhiều lắm, nó nhảy từ trên cây xuống, từ dưới đất lên và chui vào trong người hút máu, rứt là đứt luôn cả thịt da, nên phải bó hai ống quần, hai ống tay áo và lấy giây cột cổ áo lại; và phải may mỗi người một bao đội đầu che cả hai lỗ tai. Lại phải mua một đôi giép làm bằng vỏ bánh xe hơi, đắt lắm, đồng lương của cả Anh Quỵ con và con dồn lại không đủ mua một đôi giép tốt cắt ở chỗ dày giữa bánh xe, con phải mua một đôi mỏng cắt bên bìa. Đồ ăn thì mấy ngày đầu có khoai sắn, mấy ngày sau thì bánh tráng nướng, nước có nước sông nước suối... Chuẩn bị xong xuôi rồi thì chúng con chỉ chờ giấy phép. Anh bạn chúng con rất tử tế, anh bảo là anh chờ khi nào con có giấy phép là đi ngay cho kịp trong hè vì sợ họ thay đổi ý kiến, nếu chờ hết hè thì cũng không sao, anh không đi được thì cũng chỉ đường và gởi gắm cho chúng con. Một buổi chiều thứ sáu một anh học trò cũ của Anh Quỵ con, cũng là người làng, đến nhà. Sau khi thôi học anh ta đi đâu chúng con cũng không biết và cũng không hề liên lạc. Thì ra anh ta làm ở Ủy ban hành chánh tỉnh. Anh ta cho chúng con hay là hôm thứ tư anh nhận được từ Ủy ban hành chánh và Công an khu IV giấy phép cho con đi. Anh ta gởi liền giấy phép qua Công an tỉnh để họ cấp chứng minh thư cho con (ở ngoài ấy đi từ tỉnh này qua tỉnh kia đều phải có chứng minh thư). Nhưng sáng nay (thứ sáu) thì nhận được giấy chận lại giấy hôm trước, không cho đi vì lý do Thầy con đang giữ một chức vụ gì ở miền Nam. Anh ấy muốn giúp chúng con nên anh viện cớ là cuối tuần rồi, để thứ hai mới đưa qua công an lệnh thu hồi giấy phép. Anh ta bảo Anh Quỵ con nội sáng thứ bảy hôm sau phải vào Công an tỉnh ở Lam Kiều xin cho bằng được giấy chứng minh thư và về đi ngay, nếu không thật không có cách gì thoát dược. Chúng con thật không biết lấy gì để cảm tạ lòng tốt của anh ấy, chỉ xin mãi mãi ghi tạc mối ân tình. Ngay tối hôm ấy Anh Quỵ con tin cho anh bạn biết và đi tìm người xin giúp đỡ vì đi Lam Kiều 30 - 35 km, cả đi cả về 60, 70 km làm sao đến Ty kịp trước buổi trưa và về kịp trước tối nhất là anh con đau làm sao đi được 70 km một ngày. May quá, có một ông bạn, không phải là đồng nghiệp và lớn hơn chúng con nhiều, ông có đứa con trai đầu là học trò cũ của Anh Quỵ con, và hai con gái cùng một con trai sau là học trò cũ của con, nên ông bảo để ông chở xe đạp cho Anh Quỵ con đi. Ông viết một cái đơn xin nghỉ một ngày bảo con trai ông ngày mai dậy sớm đưa đến sở ông vì ngoài ấy làm việc cả ngày thứ bảy. Lúc Anh Quỵ con đến Ty công an tỉnh ở Lam Kiều, họ bảo thứ hai hay thứ ba trở lại, chớ cuối tuần bận rộn lắm họ không cấp giấy, năn nỉ mãi cũng không được. Tự nhiên vì quá mệt và lo lắng, tinh thần căng thẳng, Anh Quỵ con nổi lên một cơn ho dữ dội, như xé gan xé phổi, ông bạn mới chỉ Anh Quỵ con bảo là anh con đau, ông ta phải xin nghỉ để chở xe đạp cho đi, nếu để tuần sau ông ta đâu có thể nghỉ thêm được và anh con sẽ không có cách gì đi đến đây. Thế là họ vừa cằn nhằn vừa cấp giấy. Về nhà gần 1 giờ trưa, chúng con vội vừa đi vừa chạy về thăm nhà, chỉ ngồi độ 15, 20 phút rồi lại vừa đi vừa chạy trở về. Lúc ấy độ 5 giờ chiều. Chúng con chỉ kịp lấy cái ballot áo quần và một túi vải đựng những thứ linh tinh rồi đi một đỗi đường khá xa ra bến sông. Anh bạn đồng nghiệp đã có mặt ở đó. Thuyền lớn không như ở Huế, lòng rộng cả 4 thước, ngoài ấy gọi là đò choèn. Người xuống thuyền đã hết rồi. Chúng con vội vã theo chân họ, chưa ngồi yên chỗ thì thuyền đã nhổ sào. Con hốt hoảng chới với nhìn lên bến sông, chỉ một người đi tiễn là Anh Quỵ con cô đơn giữa bến vắng. Hai cháu vội gọi: “Ba” rồi oà lên khóc, con phải bảo nhỏ: “Đừng khóc, đừng để cho người ta để ý đến mình”. Con phải nuốt nước mắt. Thì ra chúng con mải chạy theo công việc dồn dập, tới tấp, nên chia tay chớp nhoáng, không bịn rịn, không một lời nhắn nhủ... Biết có ngày gặp lại hay không! Trong thuyền đông nghẹt cả người, phần nhiều là đàn bà đi buôn, nào gióng, nào thúng mủng, giỏ, xách... Người ta nói nói, cười cười, không ai có cái tâm sự ngổn ngang trăm mối như con, cho nên giữa một đám đông mà con như cô đơn trên một hoang đảo. Mắt con không nhìn thấy xung quanh mà lại quay nhìn trong trí não tâm tư của mình. Con không thể nào tả được tâm trạng của con lúc ấy. Khuya ấy (lúc 12 giờ khuya hay 1 giờ sáng) thì thuyền đến Chu Lễ (Hương Khê). Vùng này là vùng rừng núi. Chúng con vừa xuống thuyền, leo lên đồi, thì may mắn chuyến tàu chở muối đi về hướng Ba Đồn sắp chạy. Mấy toa tàu đầy ngập muối hột. Thế là cả đoàn người được ông lái tàu cho lên, ngồi, nằm ngay trên muối, đi được một đêm, thâu ngắn được một đoạn đường dài, khỏi mỏi chân, khỏi tìm chỗ nghỉ. Hai cháu nhỏ vô tư chẳng biết gì, như được nhịp tàu và tiếng động đều đều ru vào một giấc ngủ ngon cho đến lúc tờ mờ sàng. Tàu ngừng lại, tìm chỗ trú ẩn, bỏ cành lá che mấy toa muối trắng. Chúng con xuống tàu bắt đầu một ngày đi bộ băng rừng, cứ việc theo con đường tàu mà đi, nhưng nghe có tiếng máy bay là phải mau mau nằm xuống, nấp trong lá, trong cây, bất động. Cả đoàn người chúng con, không phải chỉ một thuyền mà đến mấy thuyền, đông lắm, cả hơn trăm người. Nếu gặp buổi thanh bình, được đi chơi núi vào lúc tháng sáu, đầu hè, khí trời còn mát mẻ, cây cỏ xanh tươi... thì vui biết mấy! Nhưng con, mắt không nhìn ra cảnh vật mà phải quay vào nhìn tâm tư, lo sợ, tính toán, chuẩn bị lúc gặp bất trắc... Giấy tờ của con hợp lệ mà lại bất hợp lệ, một đứa con không có tên trong giấy phép, biết tính sao đây... Thật là vạn sự rối bời. Anh bạn chúng con thì anh bảo phần nhiều hè nào anh cũng lấy cớ cha mẹ già yếu làm đơn xin miễn công tác 7, 8 ngày để đi thăm, kỳ thật anh có buôn bán chút đỉnh để phụ thêm cho đồng lương quá eo hẹp, cho nên các trạm công an anh ấy đều có biếu quà và họ quen mặt anh, khi vào các trạm ấy để anh lo về cháu nhỏ đi “bất hợp pháp” cho, chỉ có đội tuần giang kiểm soát ven sông thì mỗi ngày một toán khác anh không quen thôi. Cả ngày ấy chúng con mệt lắm vì phải đi trên đường rầy xe lửa, nóng và đau chân, hai bên bờ cây cỏ rậm, gai góc, giây dại bò chằng chịt khó bước lắm. Con may một cái đãy bằng vải mang cháu nhỏ sau lưng, còn cháu Dương phải đi bộ, đường đầy đá, đôi giép của nó không chịu được, đứt nát, con phải lấy áo băng hai chân lại mà vải cũng rách, chân bị phỏng phồng rướm máu, mà vẫn nhăn nhó bước chớ không khóc. Tội quá sức, thỉnh thoảng anh bạn cõng nó đi một đoạn đường. May không gặp mưa nên không bị nạn con vắt cắn. Và cũng không thấy bóng con đười ươi nào, nếu có nó ở đâu đấy mà thấy cả đoàn người lũ lượt, thúng gióng, đòn gánh, đòn xóc... chắc nó cũng chẳng dám ló mặt ra. Chúng con cũng có đi qua vài trạm công an nhỏ nhưng họ cũng chẳng khám xét gì, như cách có mặt để cho người đi đường biết thế thôi. Cũng có vài tấm phên lá che lên, chỉ bán một nồi nước chè xanh, vài cái bánh tráng nướng, vài củ khoai sắn, vài trái chuối. Chiều tối hôm ấy chúng con lại kiếm được thuyền đi qua đêm, sáng sớm hôm sau đi một đoạn trong rừng thì đến trạm công an lớn nhất và cuối cùng của tỉnh Hà Tĩnh là trạm Đò Vàng. Lúc ấy độ 9, 10 giờ sáng. Chỗ này kiểm soát rất kỹ. Ở đây người đông, ngồi rải rác từng nhóm nhỏ chờ vào trình giấy tờ, kéo dài dài cả mấy chục thước. Tim con bỗng đập dồn dập như trống trận, hơi thở muốn tắt. Anh bạn, anh lớn hơn chúng con nhiều, anh bảo con: “Bây giờ Chị và cháu Dương chờ tôi ở đây ít nhất là hơn nửa giờ nữa Chị hãy đem cháu vào trình giấy tờ. Cháu Hoàn, Chị giao cho tôi, tôi vào trước. Ở đây mấy người công an tôi quen hết, tôi sẽ nói cháu nhỏ của tôi được hơn một năm, tôi cõng về thăm Ông Bà vì Ông Bà chưa biết cháu. Tôi sẽ chờ Chị ở phía xa đầu kia. Chị có giấy tờ, cứ bình tĩnh đừng lo sợ mà họ nghi ngờ.” Con năn nỉ cháu Hoàn: “Con theo Bác, đừng nhìn mẹ, đừng gọi mẹ, đừng kêu anh Dương, đừng khóc. Nếu không thì như bom nổ dễ sợ lắm.” Nhưng nó cứ khóc nên con phải đi theo xa xa. May quá, khi nào cũng như có Trời giúp con, có ba ông vác rựa, vác câu liêm... đi qua thấy cháu khóc gọi “Mẹ” họ đưa rựa ra doạ chơi: “Nín đi, không thì chết”. Tự nhiên nó nín khe. Thế là con lùi lùi lại xa xa, ngồi xuống vệ đường chờ đợi. Con bảo nhỏ cháu Dương có ai hỏi đi với ai thì chỉ nói đi với mẹ, không có ai cả, có gặp Bác Khương và em bé thì lơ đi như không quen biết, nếu họ hỏi ở nhà còn ai thì bảo còn Ba và em bé, còn hỏi gì khác thì cứ lắc đầu không biết. Tội nghiệp cháu Dương còn nhỏ, 5 tuổi, mà đã thấy nhiều chuyện hãi hùng, nên bảo gì là cháu nghe theo ngay. Thời gian chờ đợi quả là lâu. Con nghĩ chắc cũng hơn nửa giờ lâu rồi, con mới dắt cháu Dương thủng thỉnh đi đến cái cầu bằng tre rộng, dài cỡ hơn 10 m, bắt ngang qua một thung lũng để vào sở công an bên kia thung lũng. Vừa bước lên đầu cầu tim con như bị ai bóp nghẹt vì con thấy anh bạn cõng cháu Hoàn vừa trong phòng công an bước ra. Con quýnh quáng, nếu trở lui thì bên kia họ thấy sẽ nghi ngờ, cứ đi tới lỡ cháu Hoàn thấy con, khóc gọi thì nguy lắm, nhưng đã đến lúc phải liều, con bước thong thả, bấm vai cháu Dương bảo nhỏ: “Đừng nhìn Bác Khương và em, ngó thẳng trước mặt mà đi”. Lúc hai bên đi ngang nhau, con liếc nhìn thấy cháu Hoàn hai hàng nước mắt chảy mà không gọi không khóc. Tim con se thắt. Thế rồi chúng con qua lọt, không những họ xem giấy tờ của con không bắt bẻ gì mà lại còn viết cho con một cái thư giới thiệu với công an các nơi giúp đỡ cho con được về thăm gia đình bình yên. Ra khỏi trạm công an, chúng con tiếp tục đi ra phía bờ sông. Chúng con còn rảnh cho đến tối vì ở đây sẽ lấy thuyền đi Ba Đồn mà phải đi ban đêm. Gần đến bờ sông thì thấy có hai cái quán bên đường cách nhau độ 100 m. Anh bạn chỉ cái quán đầu bảo: “Chị vào đây cho các cháu ăn cơm đi. Tôi gởi ballot cho Chị, tôi ra sông tắm rồi về ăn sau. Còn nhiều thì giờ, chiều mới đi.” Bà chủ quán nghe nói các cháu mấy ngày đi đường chỉ ăn bánh tráng, bà tội nghiệp bảo để nấu một bát canh thịt bò với cà chua cho các cháu. Bà đang sửa soạn, tự nhiên con nhìn qua quán bên kia thấy treo lủng lẳng nhiều thứ lắm mà ở xa không biết là gì, con buột miệng nói: “Quán bên kia nhiều đồ ăn quá”. Bà không những không giận mà lại nói: “Phải, quán bên kia có nhiều thứ lắm. Tội nghiệp các cháu, hay là tôi đem Cô và hai cháu qua bên kia, nhiều thứ ngon hơn.” Con không hiểu sao lúc ấy con lại tệ như vậy, tánh con không phải thế, người ta tử tế đang lo cơm nước cho mình, quán ế khách được mấy người vào họ mừng quá, thế mà nỡ bỏ đi, con cứ tự trách con suốt đời. Bà chủ tốt bụng nói xong thì lanh lợi đến cõng cháu Dương lên vai và xách cái ballot của anh bạn, con thì cầm nón và ballot con rồi ẵm cháu Hoàn đi qua quán bên kia. Vừa xếp đặt mọi thứ vào một góc và ngồi vào bàn, chắc bà kia vừa về đến quán, thì báo động. Bà chủ quán mới bảo: “Chạy theo tôi. May quá, tôi chỉ có một cái hầm cho hai vợ chồng và một đứa con. Từ sáng đến giờ chồng tôi đem con bé vào làng chơi không thấy về. Thành Cô và hai cháu xuống hầm với tôi.” Chúng con xuống cái hầm tròn cá nhân, hai người lớn ngồi chống hai đầu gối lên. Bà chủ quán cao lớn hơn con nhiều, cháu Hoàn ngồi trên đầu gối bà, cháu Dương ngồi trên đầu gối con. Vừa mới xuống hầm, cháu Dương bị một con rít cắn, nó đau quá khóc thét lên. Chưa ai kịp có phản ứng gì thì bom nổ chát chúa, gần lắm thành ra đất bị dội vào hầm như ai xúc từng thúng đổ xuống. Rồi liên tiếp ầm ầm, ầm ầm... đất cứ dội vào chôn dần chúng con. Tiếng khóc của cháu Dương im bặt. Con đã bị chôn ngang bụng, ngang cổ, ngang miệng... May hai cháu ngồi trên đầu gối, đầu nó cao hơn đầu con. Rồi con bị lấp hết mặt, con nghẹt cứng nhưng trong tiềm thức vẫn còn nghe tiếng nổ. Rồi mọi sự im bặt... Bỗng nhiên con nghe đau đầu và tiếng khóc của hai cháu, con choàng mở mắt, thì ra mấy người giựt tóc con, họ vừa kéo con ra khỏi hầm. Bà chủ nhà chỉ bị đất lấp ngang vai, con bị lấp ngang trán. May là ông chủ quán đi chơi trong xóm, biết bom thả ngay xóm nhà ông, nên vừa hết báo động là chạy về cùng với hàng xóm cứu được chúng con. Họ phải đào vì bom dội đất xuống hầm nén chặt lắm, nếu không có người giúp thì bà chủ quán dù chỉ bị đất lấp ngang vai cũng không sao tự vươn mình lên được vì lòng hầm hẹp mà đất nén chặt quá. Sau đó mọi người lũ lượt chạy lên rừng. Quán không bị bom, chỉ bị sập một nửa. Nhưng nhìn qua bên kia, cái quán đầu tiên con vào chỉ còn là một hố sâu, và nhìn ra sông, cầu bị bom sập rồi... Con đau thót trong tim, hai hàng nước mắt trào ra, thương cho bà chủ quán tốt bụng chắc không thể thoát được, lo cho anh bạn, mà cũng thương cho mình nếu anh Khương tắm ngoài sông bị bom có mệnh hệ gì thì con biết làm sao! Ngay chiều nay nếu tìm được thuyền con cũng chẳng biết làm sao nữa. Thuyền thì khi nào cũng đông người nhưng người ta đi buôn bán, hay về thăm nhà... có nơi có chốn chớ có ai ở hoàn cảnh con đâu. Tâm sự rối bời nhưng con cũng xách hai ballots cùng hai cháu đi theo bà chủ quán lên rừng với mọi người. Đến rừng bà bảo: “Tôi có đem nồi cơm đây, Cô hái cho mấy cái lá làm chén cho các cháu ăn kẻo đói”. Trong rừng có cây gì lá lớn bằng bàn tay xoè ra, con hái một xấp, phủi bụi rồi lấy cơm ra, mọi người bốc cơm ăn; con thì rối tâm rối trí làm sao nuốt cơm được. Bỗng con nghe phía xa bên kia rừng tiếng gọi: “Dương ơi! Dương!” liên tiếp, con không nhận ra tiếng của ai nhưng con bảo cháu Dương đứng dậy cố hét thật lớn: “Dương ở đây, con ở đây”, cứ hét tiếp. Một chốc thì anh Khương chạy đến trố mắt nhìn chúng con, hỏi: “Làm sao Chị và hai cháu thoát được, chính mắt tôi trông thấy quả bom đầu tiên thả đúng ngay giữa quán, trái thứ hai thả cầu, tôi nấp sát chân cầu nên yên lành”. Cả thảy 8 quả bom. Sau khi nghe con thuật lại việc con đổi quán, anh ta bảo: “Thật là trời cứu!” Tối hôm ấy chúng con ra bờ sông theo người ta lên thuyền đi Ba Đồn. Sáng hôm sau đến Ba Đồn. Chỗ này nhiều hàng quán, đông người, họ buôn bán, trao đổi hàng hoá là ở đây. Chúng con vào một quán lớn ở trên bờ đá dựng đứng, có bán phở, cháo gà, cà phê, bánh mì... Con gọi cháo gà cho hai cháu, phở cho anh bạn, còn con thật chưa có lòng dạ nào mà thưởng thức món ăn nên con uống một ly cà phê sữa và một khúc bánh mì. Chúng con phải ở đây suốt ngày, chiều thì tìm thuê thuyền về làng Văn Phú là làng của anh Khương. Trong khi anh bạn đi tìm xem hàng hoá và thăm người quen, chúng con ở lại quán. Trên bờ đá cao nhìn xuống xa ngoài kia có một con sông, cảnh trí thật đẹp, và có một ngọn núi lớn chắn ngang dòng sông, người ta bảo đó là Động Phong Nha, qua phía bên kia ngọn núi, dòng sông lại tiếp nối lấp lánh ánh bạc dưới mặt trời buổi sáng. Tiếc thay một thắng cảnh của quê hương mà chỉ được đứng xa nhìn! Trưa hôm ấy anh Khương về vui vẻ cho hay là anh gặp hai bà người làng ra đây buôn chuối, và chiều nay chúng con sẽ theo thuyền chuối về làng Văn Phú. Chiều hôm ấy chúng con xuống thuyền. Ở đây chỉ có thuyền nhỏ không có thuyền buôn lớn như ở ngoài kia vào. Bà chủ thuyền còn trẻ và một bà bạn lớn hơn. Họ buôn từng buồng chuối chất đầy cả lòng thuyền cao như núi. Chúng con ngồi ở sàn thuyền phía đầu mũi. Đi được một lúc thì sắp sữa đến chỗ có đội công an tuần giang. Anh Khương nhờ bà chủ thuyền nhận cháu Hoàn là con, bà bảo không được vì trên giấy tờ bà đi một mình, bây giờ phải che dấu cháu bằng cách đặt nó nằm dưới lòng thuyền rồi chất chuối lên cao. Đến lúc này cấp bách quá, không có cách gì nữa, chúng con phải theo lời. Lúc ấy cháu nhỏ đang ngủ say trên tay con. Bà chủ dỡ chuối lên để một chỗ trống, đặt cháu Hoàn xuống, rồi sắp lại những buồng chuối lên cao như cũ. Không bao lâu chúng con đã thấy bên bờ phía tay trái ba người đứng trên bờ gọi thuyền vào. Tim con đập liên hồi nghẹn thở. Một người đứng riêng cầm cái súng A.K. chĩa về phía thuyền, hai người xem giấy tờ của tất cả, mọi người đều hợp lệ. Xong họ hỏi: “Có buôn gì bất hợp pháp không? có gạo, nếp, đậu... không?” Hai bà trả lời không. Họ bèn lấy cái thùng đựng nước trên thuyền, múc hai thùng nước tưới tràn lên chuối. Con đứng tim, nghẹn thở, mặt tái ngắt, nước mắt chảy dòng “Nếu cháu Hoàn bị sặc nước khóc lên thì chết cả thuyền”. Nhưng không hề có một tiếng động. May trời chiều, họ tác nước tung toé ướt cả mọi người nên mặt con tái, nước mắt chảy dòng mà họ không để ý. Và cũng vì trời chiều họ làm biếng không bắt dỡ chuối ra. Họ ném lại cái thùng và bảo: “Nếu mấy người trái lệnh buôn gạo về bán vùng Tây thì cũng sũng nước hết rồi. Thôi đi đi!” Chúng con đi một đoạn xa, trời đã tối mới dỡ chuối đem cháu Hoàn ra, cháu ướt mẹp cả áo quần tóc tai mà vẫn ngủ một giấc ngủ thiên thần. Chúng con thở một hơi dài sung sướng! Bây giờ càng khuya thuyền đi lại trên sông càng nhiều. Không thuyền ai thắp đèn cả chỉ có ánh sao mờ và trăng lưỡi liềm trên nền mây bàng bạc. Thuyền ở ngoài đi vào và ở trong đi ra đều chào hỏi, liên lạc với nhau, trao đổi tin tức bằng tín hiệu, bằng cách nói láy, con hoàn toàn không hiểu gì cả. Độ hơn 10 giờ khuya, con đoán thế, một chiếc thuyền ở trong ra, nói gì một tràng dài, hai bà bỗng bảo anh Khương: “Cậu ơi! ở làng mình động, cậu không về được đâu!” Vì ban ngày thì Tây hay về, ban đêm thì họ hay về. Thế là anh bạn gởi gắm hai cháu và con lại cho hai bà rồi anh nói: “Rất tiếc là không đưa Chị và các cháu đến nơi đến chốn cho Quỵ yên tâm. Nhưng hai bà đây sẽ lo cho Chị, họ như người trong gia đình tôi, Chị yên tâm. Tình thế thế này Chị về ở với bà chủ thuyền đây an ninh hơn. Tôi phải chia tay ở đây”. Con chỉ nói được hai chữ “Cám ơn” về tất cả những khó nhọc anh phải chịu vì chúng con. Rồi một bà nói láy gọi một chiếc thuyền ghé lại và anh Khương bước sang, đi trở về hướng Ba Đồn. Tự nhiên nước mắt con trào ra không ngừng. Con lo sợ và cảm thấy quá cô đơn, con chới với như người bị cuốn trong dòng thác lũ mà không nơi bám víu... Đang suy nghĩ triền miên thì bà chủ thuyền bảo: “Sắp đến đoạn sông nguy hiểm vô cùng, ai bắt mình cũng chết, nên phải im lặng, không nói, không ho..., chèo không động nước, đây là đoạn sông ngậm tăm (nghĩa là ngậm một cái tăm ngang miệng để không nói). Cô phải nhét vải trong miệng hai đứa nhỏ, nếu nó khóc là chết hết.” Cháu Dương đang ngủ gà ngủ gật, con phải thức cháu dậy bảo mọi điều; cháu Hoàn thì nhỏ quá (hai tuổi mà nhỏ xíu) đâu hiểu gì, nó đang ngủ trên tay con, con phải lấy cái khăn tay cho vào miệng nó, lơi lơi thôi, để lỡ nó có khóc thì tiếng nhỏ và đủ thì giờ dỗ nó. Rồi thuyền đi vào đoạn sông ngậm tăm. Chắc không dài bao nhiêu nhưng chèo không khua nước nên thấy như đứng một chỗ không xê dịch. Tinh thần căng thẳng đến tột độ; muốn qua khỏi đoạn đường này nhanh chừng nào may chừng nấy, mà lại phải lần lần, rờ rờ, chậm chạp... Thuyền phải đi hơi hơi sát bờ để bóng cây che khuất và nếu có tàu tuần hành thì kịp nằm im. Nhưng đi gần bờ cũng là một mối lo lớn, nếu đáy thuyền hay cái chèo vướng phải rễ cây hay gặp chỗ nước cạn e gây tiếng động. Thật là hồi hộp, nghĩ mà thương cho người dân đi buôn bán làm ăn lương thiện mà mỗi tháng phải mấy chuyến qua lại khúc sông ngậm tăm thì hại tâm thần biết bao nhiêu! Hai tai phải lắng thật kỹ nghe ngóng tiếng dộng, mắt phải mở thật lớn nhìn hai bên bờ... Nhưng may mắn rồi cũng qua khỏi khúc sông kinh hoàng ấy. Thuyền đi vào phá. Độ 5 giờ sáng thì thuyền cập bến Văn Phú. Nhà bà chủ thuyền ở trên bờ phá. Trong nhà có bà mẹ già và một đứa con gái cỡ 15 tuổi. Sau khi giới thiệu qua lại vài câu, bà chủ nhà nói: “Cô bối tóc cao lên cho ra vẻ nhà quê. Ai hỏi thì bảo Cô là cháu gọi mẹ tôi bằng dì ở Ba Đồn về thăm ít ngày, đó là nói người lạ, chớ người xóm tôi thì tốt lắm, Cô là bạn dạy một trường với Cậu Khương, chúng tôi quý Cô lắm, Cô đừng ngại gì hết.” Rồi bà tiếp: “À, Cô lấy tro bếp bôi vào mặt con cháu bé cho lem luốc người lạ đừng để ý.” Bỗng chuông nhà thờ gióng lên rộn rã. Thì ra đây là một xóm đạo. Bà chủ nhà bảo: “Bây giờ ba bà cháu tôi đi nhà Thờ. Nếu ở nhà Cô nghe tiếng ca nô tức là Tây đến, thì cứ theo người làng chạy ra nhà Thờ, ở đó có Cha lo cho. Nếu không chạy kịp mà bị bắt thì Cô đừng nói tiếng tây, cứ làm ra vẻ nhà quê, có người thông ngôn...” Chắc lúc ấy độ 6, 7 giờ sáng. Các cháu đòi ra độn, con vừa đem các cháu đến nơi thì nghe tiếng ca nô. Con vội vã một tay bồng cháu nhỏ, một tay kéo cháu lớn chạy xuống độn để cho kịp theo dân làng. Mọi người cúi rạp mình xuống nấp vào bờ tre mà chạy về phía nhà Thờ. Chờ cho dân chúng vào hết, Cha đóng cửa lại, bảo yên lặng để đếm xem mấy chiếc ca nô. Cả thảy 14 chiếc. Xong, Cha bảo: “Bây giờ cha và các cha phụ làm Lễ. Tất cả mọi người, dầu không có đạo, cũng lấy sách lễ đọc theo tự nhiên. Nếu quân đội Pháp vào thì cứ để mặc các cha đối đáp.” Thế là trong nhà Thờ lại vang lên tiếng đọc kinh. Tiếng súng bỗng vang lên liên tiếp, tiếng chân chạy dồn dập, tiếng giày đinh nện cồm cộp trên sỏi đá, rồi tiếng la hét, đánh đập, van lạy, khóc lóc... gần lắm như ngay bên ngoài cửa, gần đến nổi tiếng thét hỏi và trả lời rõ mồn một. Và xa hơn nữa cũng súng nổ liên hồi, và ồn ào, hỗn độn... Độ hai giờ sau thì vẫn náo động rộn rịp nhưng tiếng súng thưa dần và lại nghe tiếng ca nô. Cha bảo: “Im lặng, đếm cho đủ 14 chiếc ca nô rời bến xa, mới được ra về.” Mọi người thở một hơi dài sung sướng, họ bố ráp làng bên cạnh chớ Văn Phú được yên. Tối hôm ấy bà chủ bảo con đem hai cháu theo bà ra thuyền đậu ngoài phá. Làng này chuyên nghề đánh cá và buôn bán ven sông bằng thuyền. Văn Phú như là một vùng không có chính phủ và tiêu hai thứ tiền (tiền Đông Dương và tiền Việt Minh). Ban đêm thuyền về bến đậu san sát, phá trở thành một xóm nhà nổi có đến 200, 300 chiếc thuyền. Bà chủ bảo con: “Cô không ngủ trong nhà được. Ban đêm họ hay về lùng lắm, bên nào cũng nguy. Ngủ thuyền, hễ họ đến phía này thì bước qua thuyền khác, cứ đi vòng vòng nhảy từ thuyền này qua thuyền kia, không biết đường đâu mà tìm.” Thì ra sống thêm một ngày là biết thêm một chuyện lạ và nguy hiểm! Xóm này là một xóm đạo, rất ngoan đạo. Con đến vừa lúc lễ Thăng Thiên (Ascension) nên muốn thuê thuyền đi Quảng Khê không được phải chờ sang tuần sau. Càng kéo dài ngày chừng nào thì sự lo lắng ngày đêm lại càng nhiều. Lúc nào cũng phải cảnh giác. Bà cụ anh Khương có cho người ra thăm chúng con và cho đem chuối, quýt, kẹo cho các cháu nhưng không cho chúng con vào thăm vì bảo tình thế không yên, vào trong ấy có gì không có ngõ thoát. Qua lễ rồi con thuê thuyền cũng gặp nhiều khó khăn vì con, một mẹ hai con còn nhỏ, con không dám thuê thuyền mấy người đàn ông, dầu người già, dầu có sự giới thiệu bảo đảm hiền lành, chất phác, đức độ, vì đi nửa ngày đường trên sông bể mênh mông ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra; mà đàn bà thì họ sợ không dám đến gần đồn tây. Con lo lắng quá sức, mỗi ngày qua, gánh lo âu thêm nặng trĩu hai vai và tâm trí, và hy vọng lại càng bớt dần. Con đã ở trên đảo hơn một tuần rồi, ngày ở trên đất, đêm ở thuyền, luôn luôn cả đôi mắt, cả tâm và trí đều phải thức tỉnh. Cuối cùng có hai bà cụ trên 65, 70 tuổi đến nói với con: “Chúng tôi nghe nói Cô bằng lòng trả tiền cao. Chúng tôi già rồi, làm ăn vất vả cũng không đủ sống. Nếu đi một chuyến đò, được một số tiền khá cũng đáng đánh liều để được sung sướng một chút.” Con mừng quýnh. Lúc chị Hạc về Huế rồi ra lại, Mẹ con có gởi cho con một lượng vàng nhưng chị Hạc không dám đem theo nhiều, chị xin làm một chiếc xuyến 5 chỉ thôi. Nhờ vậy con có chiếc xuyến nhờ bà chủ đem bán, bà đi hỏi giá rồi giữ chiếc xuyến cho bà và đưa cho con 1.500$ Đông Dương (1$ Đ.D. hình như 50.000$ ở ngoài ấy). Con hỏi các bà bằng lòng giá bao nhiêu. Họ bảo cho mỗi người 150$, tức là 300$ hai người. Thế là con mừng quá sức và sáng mai đi sớm. Con đưa tiền trước cho hai bà. Sáng hôm sau chúng con từ giã gia đình bà chủ nhà tốt bụng và xuống thuyền lúc độ 8 giờ sáng. Vùng này thuyền đi giữa sông và phá ban ngày được. Độ hơn 1 giờ trưa thì đã thấy xa xa Đồn Quảng Khê có mấy cái lô cốt (blockhaus) có súng chĩa ra. Hai bà chèo thuyền sợ quá vội bảo con: “Nếu Tây bắt thì Cô tìm cách gỡ cho chúng tôi.” Con đáp liều: “Họ có bắt thì bắt tôi chớ các bà không can gì đâu.” Một chốc sau thì thuyền không đi được nữa vì hôm ấy nước ròng, thủy triều xuống, thuyền mắc cạn phải ngừng xa ngoài phá. Con bảo tất cả mọi người đứng dậy ngó vào phía lô cốt đưa hai tay lên đầu. Neo thuyền cẩn thận rồi nhờ hai bà cõng hai cháu (hai bà lớn tuổi nhưng người đường biển mạnh khoẻ lắm) mà tay vẫn đưa thẳng lên, các cháu thì một tay ôm cổ các bà một tay đưa lên, con mang ba lô sau lưng cũng đưa tay lên và lội bì bõm vào bờ. Nước quá đầu gối và đi trên cát nên cách bờ chỉ độ 50 m mà lâu lắm. Con đi vào một cái chòi canh bằng gỗ có một người lính Việt Nam gác. Con nói với ông lính: “Nhờ ông tìm cách liên lạc với các vọng gác là có người về 'đầu thú' (lời họ dùng như vậy) thuê chiếc thuyền của hai bà già. Xin để cho hai bà già về bình yên.” Rồi con cảm ơn hai bà và bảo hai bà vẫn đưa thẳng tay lên đầu mà trở về thuyền. Ông lính hỏi giấy tờ con. Con bảo con không có giấy tờ gì cả, con đi dạy ở ngoài kia và trốn vào đây. Ông bảo chờ đến 2 giờ 30 Đồn Dân vệ mở cửa thì ông đưa vào trình diện. Rồi ông bước ra khỏi chòi canh và nhường chỗ cho ba mẹ con con vào đứng trong ấy cho khỏi nắng. Đang chờ đợi thì có một ông Việt Nam ăn mặc âu phục chững chạc đến hỏi gì người lính gác rồi đến nói với con: “Bà đi dạy thì bà biết tiếng Pháp, bà vào trình diện ở đây chứ qua Đồn Dân vệ làm gì. Mời Bà theo tôi.” Ông tự giới thiệu là ông Hạt trưởng. Con không muốn đi theo ông, nhưng không đi thì sợ bị nghi ngờ. Ông Hạt trưởng đưa con vào văn phòng một vị quan ba, nói vài câu rồi đi ra. Ông quan ba rất lễ độ, mời chúng con ngồi, rồi bấm chuông gọi một người lính vào bảo nhỏ mấy câu. Con nghĩ ngay phải đưa thầy con ra để may gì họ biết và nể nang không làm gì khó dễ. Con bảo con đi dạy ở Hà Tĩnh và trốn về đây. Chồng con không thể cùng đi được và sẽ tìm cách đi trong một ngày gần đây. Thầy con trước 1945 làm Thượng thư bộ Giáo dục nay về hưu trí. Ông bảo ông còn trẻ mới ở Pháp qua có 5 tháng, ông không biết thầy con để ông hỏi xem. Ông gọi điện thoại ngay về Huế và nói với con là điều con nói về thầy con trước là đúng nhưng hiện nay thầy con là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên hiệp và Chủ tịch Viện Giám sát, con có hiểu gì về những chuyện mới lạ ấy đâu. Ông chỉ ngồi nói chuyện với con, hỏi gì con nói, thỉnh thoảng ông ghi chép sơ sơ trên một quyển sổ lớn trước mặt, chớ không bắt con viết gì cả, chỉ ghi tên tuổi, con cái, nghề nghiệp... lúc đầu thôi. Đang nói chuyện thì có một vị sĩ quan vào cho hay cơm đã dọn. Ông mời con đem hai cháu theo vị sĩ quan đến phòng ăn. Đến nơi con thấy một ông sĩ quan người Việt Nam, ông bảo: “Xin lỗi Bà, hôm nay không phải là ngày phiên chợ nên không có thịt và rau tươi.” Con trả lời: “Thật là một bữa tiệc quá linh đình, sao ông lại xin lỗi, và khéo là trong một thời gian ngắn mà làm được bao nhiêu món. Xin cảm ơn ông và quý vị đã lo buổi cơm.” Ngồi lại một mình trước một bàn đầy tràn hải vị ngon lành tự nhiên con tủi thân tại sao trong 7 năm trời này mình không được dùng những món ngon lành vậy, nào cá chiên, cá hấp, tôm hùm, tôm rim, cua, mực... Con ứa nước mắt và không ăn gì cả chỉ gặm một lát bánh mì mỏng. Hai cháu cũng chẳng ăn gì, nó thấy cơm thật trắng bảo là xôi và chỉ ăn mỗi đứa nửa chén xôi với một chút cá. Cả bàn đồ ăn cho độ 7, 8 người không ai đụng đến. Đang ăn thì máy bay lên, hai đứa quăng đũa chạy núp xuống bàn và la lên: “Mẹ ơi, ra hầm mau”. Không tìm thấy hầm, chúng nó cuống cuồng khóc ầm lên. Phải giải nghĩa một chốc chúng mới hết run. Chúng con lại trở lại văn phòng của ông quan ba, ông vẫn hỏi đủ thứ chuyện như nói chuyện chớ không phải điều tra. Đến chiều ông gọi một viên sĩ quan Pháp bảo cho người sửa soạn một phòng trong đồn cho ba mẹ con con. Con sợ quá cứ nghĩ đến chuyện ban đêm lính Pháp say rượu, nên vội nói: “Nếu có thể, cho tôi ở ngoài đồn. Gần 7 năm trời, tôi không liên lạc được với gia đình; tôi nghe nói V.C. hay pháo kích đồn, tôi sợ chết mà không gặp cha mẹ tôi. Tôi có một ít tiền tôi có thể trả khách sạn.” Con lại sợ họ nghi ngờ nên nói tiếp: “Tôi trốn về đây nên tôi sợ V.C. lắm, xin tìm cho tôi khách sạn gần đồn.” Ông quan ba cười tử tế bảo: “Bà chớ lo về chuyện tiền, tất cả phí tổn chính phủ lo. Tôi sẽ cho tìm khách sạn gần đồn cho Bà.” Chiều tối ấy họ đưa xe jeep cho chúng con về khách sạn, chỉ cách đồn độ 3, 4 phút đi xe. Vừa bước vào phòng khách con nghe tiếng “Ồ”. Chưa kịp thấy gì, một người đã ôm lấy hai vai con gọi: “Chị Thương Thương!”, con nhìn chị ấy thấy quen nhưng không nhận ra ai; chị nói tiếp: “Em là ... (nay con lại quên tên rồi!), em là em chị Tuyết dạy thể thao ở Đồng Khánh. Em bạn của Chi Minh, em Chị, Chị không nhớ em sao?” Chị là bạn của em con mà lại ở ngoại trú thì con chỉ thấy quen thôi, nội trú thì lớp trên hay lớp dưới chúng con đều quen nhau. Nói chuyện ra thì anh lại là bạn học từ hồi tiểu học với anh đầu của con. Anh, chủ khách sạn, tên Đinh Gia Em. Tối hôm ấy chúng con không ăn cơm theo khách trọ mà ăn bữa cơm gia đình với anh chị Em. Kể từ ngày 17 tháng 5 năm 1952 con rời nhà ở Châu Phong cho đến nay đã hơn nửa tháng rồi con mới ăn hột cơm đầu tiên. Con tạm quên mọi lo âu, trong bữa ăn chỉ cứ nhắc đến trường cũ, thầy, bạn... Và lần đầu tiên, không phải từ hơn nửa tháng nay, mà cả 5, 6 năm rồi con mới ngủ được một đêm bình yên trong tin cậy. Sáng hôm sau xe jeep lại đến đón chúng con. Vừa vào văn phòng thì ông quan ba nói: “Tôi hứa với Bà hôm nay đưa Bà về Đồng Hới, nhưng hiện giờ ba chiếc ca nô còn rảnh thì đều hỏng cả, đang sửa chữa.” Tự nhiên nước mắt con chảy ra, con không hiểu sao mà con mau nước mắt thế, có lẽ lo lắng quá nên một trở ngại dầu nhỏ cũng làm con nghĩ đến sự sụp đổ, tâm thần giao động. Ông ấy thấy thế vội nói: “Tôi biết Bà nóng lòng muốn gặp gia đình. Bà đừng lo, ca nô chữa xong giờ nào thì tôi cho Bà đi giờ ấy.” Độ hơn 12 giờ trưa có một chiếc ca nô xong. Thế là con được đưa xuống ca nô. Và một đoàn có mấy chục người cả sĩ quan cả lính Pháp, súng ống đầy đủ, đem chúng con đi. Thuyền đi trong phá rồi ra biển. Một chốc sau cháu Hoàn say sóng, mặt tái xanh và nôn thốc nôn tháo một chốc thì mệt lả, nằm bất động. Rồi đến phiên con cũng thế. Lúc con gần mệt lả con nghe mấy người sĩ quan và lính nói với nhau: “Chắc không phải say sóng, say sóng gì mà nặng vậy, họ ở ngoài kia vào có thể bị thổ tả.” Con hoảng sợ, con nhớ đến việc đi biển mà đau chết hay bị bệnh truyền nhiễm là họ ném xuống biển vì sợ lây. Con vội cố gắng ngồi thẳng dậy, cố gắng tỉnh táo nói: “Các ông lầm rồi, chính là say sóng, chớ không phải thổ tả đâu. Thổ tả có triệu chứng khác chứ không phải chỉ có nôn.” Rồi con tiếp thêm: “Đừng nghĩ sai lầm, đừng ném chúng tôi xuống biển.” Các ông không ngờ con nói thế vội trả lời: “Không có đâu, chúng tôi lo vì thấy con bé như hết thở, mà Bà cũng nặng quá.” Cũng may cháu Dương không hề mệt gì hết, nó chạy tung tăng trên boong tàu. Con bảo nhỏ cháu: “Coi chừng em cho mẹ, đừng để họ đến gần em”... Rồi ca nô đã bớt tốc lực và đi dần dần vào bến Đồng Hới. Sóng nhẹ và bớt gió nên cháu Hoàn cũng bắt đầu tỉnh lại và con cũng bớt mệt. Một chiếc xe jeep đã chờ sẵn trên bến, đưa chúng con về Toà Tỉnh trưởng. Ngồi nói chuyện một chốc với ông tỉnh trưởng rồi ông cho xe đưa chúng con về ở tạm nhà bà cựu tỉnh trưởng (ông vừa bị V.C. thanh toán độ 1, 2 tháng nay thôi) để bà đem con đi mua sắm mọi thứ cần dùng. Ngày hôm sau bà đem con đi chụp ảnh để làm căn cước, còn bảo con mua sắm áo quần, giày giép, con không chịu. Chiều ấy về nhà nghe tin tức trên đài phát thanh mới biết đồn Quảng Khê bị pháo kích đêm vừa rồi. Con vội viết cái thư vừa để cảm ơn anh chị Em, chủ khách sạn, mà cũng để hỏi thăm về vụ pháo kích. Hai ngày sau được thư chị trả lời, con lạnh cả người, ngay hôm con rời Quảng Khê đi Đồng Hới thì tối ấy đồn bị pháo kích, quả pháo đầu tiên nổ ngay tại phòng ngủ dành cho ba mẹ con con, hai giường ngủ tan nát. Sáng hôm sau có giấy của Phòng nhì mời con đến. Ông trưởng Phòng nhì, con không nhớ cấp bậc, tên Le Petit, hỏi chuyện vài ba câu, rồi trao cho con một xấp giấy dày. Con phải ngồi một bàn riêng trong phòng ấy trả lời 150 (hay 250 con quên rồi) câu hỏi, nhiều câu bắt phải trả lời tỉ mỉ để chỗ trống đến nửa trang giấy đánh máy. Con cứ trung thực trả lời, cái gì không biết thì đề không biết. Gần hai ngày con mới trả lời xong, cứ sáng độ 9 giờ đến 12 giờ, chiều 3 giờ đến 5 giờ, khi nào con cũng đem hai cháu đi theo ngồi một bên con. Ngày hôm sau ông Le Petit cầm xấp giấy của con đọc từng câu và chất vấn từng ly từng tý. Họ hỏi không thiếu một vấn đề gì, một khía cạnh nào trong đời sống. Lúc này mới thấy rõ bộ mặt bắt bẻ, làm khó dễ của ông. Ông bảo con: “Bà khai không thật. Tại sao Bà biết một viên aspirine, một viên quinine, 1 kg gạo... giá bao nhiêu, mà lại không biết 1 kg muối, 1 kg đường, 1 lít nước mắm, 1 m vải trắng... giá bao nhiêu.” Con cứ điềm đạm trả lời: “Vì tôi muốn khai chân thật. Ở ngoài ấy không có đường cát trắng như ông hỏi, chỉ có đường chén, đường thẻ đen, chúng tôi mua một chén đường hay vài thẻ, có biết cân lượng bao nhiêu. Muối thì họ bán bằng cái thìa tre, mua 1, 2 thìa họ gói vào lá chuối, làm sao biết mấy thìa là 1 kg, ông hỏi giá 1 thìa muối tôi biết chớ giá 1 kg làm sao tôi biết rõ. Nước mắm đong nơi cái chũm bằng tre làm sao biết một lít là bao nhiêu.” Ông ta đuối lý nên nóng mặt gắt: “Thế sao hỏi Bà tháng 6 năm 1951, ở vùng Châu Phong Linh Cảm, chính là chỗ Bà ở, bom thả trúng cơ quan nào Bà bảo chỉ trúng dân chúng thôi?” Con trả lời: “Vì mắt tôi trông thấy chỉ có dân chết. Tôi nói thật, hơn 6 năm trời tôi ở ngoài ấy tôi không biết cơ quan ở đâu. Lúc cần liên lạc chỉ liên lạc ở một cái trạm nhỏ thôi”... Trưa hôm ấy ra về, một anh thanh niên Việt Nam đón con ngoài đường, bảo con: “Lão Le Petit là một thực dân, nhất là với đàn bà con gái, nó làm khó dễ, doạ nạt để cho sợ. Chị đừng sợ, cả phòng thư ký bên cạnh sẽ ủng hộ Chị, Chị phải cho vững.” Con cám ơn ông và cảm thấy có sự che chở, đở cô đơn. Con ở đây gần cả tuần rồi. Chỉ quanh quẩn như vậy mà kéo ngày này qua ngày khác. Nhiều câu hỏi tăn măn tỉ mỉ, nhiều câu tổng quát, nhưng cũng nhiều câu thật cập nhật, như bom ở Đò Vàng vừa mới tháng trước cách đây vài tuần thôi, lúc con đi ngang đó, cũng có trong xấp giấy. Ông Le Petit còn bắt bẻ nhiều chuyện lắm... Một buổi tối con gặp anh chị Hà Thúc Lãng đến nhà bà cựu tỉnh trưởng. Chị Lãng là con dì cả của con. Thế là con theo chị về nhà chị ở. Khi con đến Đồng Hới thì ông Tỉnh trưởng có gọi điện thoại cho Thầy con. Cho nên mấy ngày sau anh con đi cùng mẹ con ra đón con. Sáng hôm ấy Phòng nhì cũng bắt con phải trở lại. Anh con bảo con ở nhà, anh con đến gặp ông Le Petit nói với ông còn muốn hỏi gì thì con về Huế rồi sẽ hỏi. Hôm sau con theo mẹ con và anh con về Huế. Hai tháng sau Anh Quỵ con về. Anh con đi gặp mọi sự dễ dàng. Anh mua một chiếc xe đạp cũ rồi anh bạn và anh thay phiên nhau đạp, đi theo đường rừng, không đi thuyền (và đi đường Kỳ Anh, không đi Chu Lễ) tránh nơi nguy hiểm (con vì có trẻ con không đi đường khác được). Về Văn Phú gặp lúc yên, Anh Quỵ con về ở nhà anh bạn hai ngày rồi thuê thuyền đi Quảng Khê. Mọi việc may mắn, nên đi từ Hà Tĩnh về Huế chỉ độ 10 ngày, con gần cả tháng. Thế là gia đình đoàn tụ như lời cụ Hàn Cung đoán trước. Lúc ấy con vừa đúng 26 tuổi mà sao con thấy như con già trên 75 vì sống quá nhiều, thấy quá nhiều, biết quá nhiều mà cũng lo lắng, ưu tư chịu đựng, từng trải quá nhiều! Kính Thầy Cô, con thuật chuyện dài dòng để Thầy Cô đọc mỗi ngày vài trang trong thời gian dài con vắng mặt, con không gọi điện thoại, không viết thư. Lúc trở về con sẽ lại liên lạc với Thầy Cô. Con cầu mong Cô chóng bình phục để con lại được nghe giọng Cô nói cười qua điện thoại. Con xin kính thăm Thầy Cô và các em. Nay Kính, Con, Thương Thương Ghi thêm: Ngày thứ bảy (17-5-1952) ngay sau khi Anh Quỵ con vào Lam Kiều xin được giấy chứng minh thư thì chiều ấy chúng con đi ngay (con và hai cháu nhỏ) rời Châu Phong lúc độ 6 giờ 30, 7 giờ chiều. Ngày thứ hai liền đó (19-5-1952) Ty công an cho người đến nhà đòi lại chứng minh thư. Anh Quỵ con bảo là hôm ấy có mấy bà đi buôn quen nên cố xin cho được giấy tờ ngay để về đi với họ, nên đã đi rồi. May quá sức! *** Trang Gia Đình : ~.~ GÓC VƯỜN CỦA MẸ ~.~ ![]() |