HOME

My favorite
  Quotes on
  Happiness

Mạn Đàm về
  Chữ và Ngĩa
  (Trúc Huy)

École de
  mon âme
  (Chê Lan Viên)

A Silhouette
  in the Fog
  (Nhat Linh)

You Must
  Live
  (Khai Hung)

School of
  my Heart ...
  (Chế Lan Viên)

Heart of
  Perfect Wisdom
  (Prajna
  Paramita)

Book Review

Góc Vườn
  của Mẹ

My Family
  Photos

Viet Links

Email :)

  ~~ scenery ~~ 



Hồi Ký của THƯƠNG THƯƠNG
NHỮNG NĂM DẠY HỌC LIÊN KHU IV
( 1946 - 1952 )
~ Phần IV ~




Falls Church, 26 tháng 5 năm 1995


Kính Thầy Cô,

Con xin, trước là kính thăm Thầy Cô, sau xin kể tiếp chuyện ngày xưa lúc con ở ngoài khu IV để Thầy Cô xem cho vui, để Thầy Cô xem cho biết đúng hơn.

Sau khi bom Napalm thiêu rụi vùng ven đê Châu Phong, trường đóng cửa, nghỉ hè sớm; mọi sinh hoạt ngưng lại chỉ trừ 2 buổi học tập chính trị. Chúng con về tạm trú tại nhà Ông Nội các cháu để gởi các cháu rồi đi tìm thuê nhà. Chúng con thuê được một phòng của nhà Cố Hiệu (cố mất rồi chỉ có hai người con trai là anh Hiệu, anh Tài). Cái phòng để thờ có một cái phản ngựa lớn và một cái bàn nhỏ; nhà trên một ngọn đồi cách Châu Phong cở 7 km. Chúng con về ở đó vì con dạy gần đó.

Hồi ấy ở ngoài ấy nghỉ hè có 2 tháng thôi. Tháng 9 lúc đi học lại, trường làm lại bằng tranh mà chưa xong, nên các lớp tạm dạy rải rác trong các ngôi đình xưa, chỗ này một ngôi, đồi khác một ngôi, và lúc ấy phải học khuya vì còn bom đạn quá, nghĩa là học từ 1 giờ khuya đến 5 giờ sáng; chợ họp từ 3 giờ khuya đến 5 giờ sáng… ban ngày mọi sinh hoạt đều trên miệng hầm. Có ngôi đền được một lớp, ngôi đền nơi con xưa lắm, rộng, nên được 2 lớp. Thầy trò ngồi xuống đất thôi, không có bàn ghế, và 1 cấp lớp học chung một ngôi đền hay hai ngôi gần nhau.

Đi dạy đêm, con không có đèn gió và đèn bão gì cả, mà đồng hồ cũng không vì trong vụ cháy nhà chúng con chỉ có thoát được thân với một bộ quần áo trên người thôi. May trong vùng ấy có 4, 5 em là học trò của con, và em Phái có đồng hồ. Em Phái mỗi đêm cứ 12 giờ khuya là đi ngược lại phía nhà con, gọi con, và con đi ra với em, qua lại nhà em và lên đồi cao hơn có ngôi đèn; mỗi lần như vậy cứ gọi nhau “ơi ới” cùng đi chung 5, 6, 7 người. Em Phái là người sinh trưởng ở vùng ấy, trong nhà có ông bà nội, cha mẹ và anh em đông, nhà nghèo, làm nghề cày ruộng mướn cho người ta và ban đêm phải đi đặt nơm hay câu đầm để phụ thêm cho đủ sống. Sở dĩ con nói dài dòng về em Phái vì con muốn kể một chuyện quan trọng sau này. Đặt nơm nghĩa là họ đem 3, 4 cái nơm để một nơi có nước chảy cho nước chảy vào miệng nơm. Nếu cá theo luồng nước vào nơm thì không ra được, họ để cả đêm như vậy. Câu đầm là cho cả chục cần câu, có móc mồi, như đi câu nhưng thả chìm xuống nước, thu dấu cần trong bụi bờ nào đó, để như vậy cả đêm, phải ngũ lại đó, sáng mai lấy nơm, lấy cần lên, cá vào nơm bao nhiêu, cá cắn mồi bao nhiêu là nhờ bấy nhiêu. Khi nào ít thì dùng trong nhà, khi nào nhiều thì đi bán quanh trong xóm. Con biết nhà em Phái vì lúc đi đến trường và về đều có qua nhà em, nhưng em thường nói với con: “Bao giờ có cá, em gọi chị, chớ chị đừng đến nhà em, thường không có ai ở nhà” (ngoài ấy gọi anh chị chớ không gọi thầy cô).

Một hôm như thường lệ 12 giờ khuya, em Phái qua nhà con rồi cùng đến trường; các em khác gần đó cũng nhập bọn thành nhóm con có đến 7, 8 người; đi theo con đường mòn trên núi thành ra đi hàng một hay hai thôi, con đi chậm nên đi sau cùng. Bỗng lúc đi ngang qua nhà em Phái, con nghe tiếng rên, khóc… rùng rợn lắm, con hoảng sợ vội hỏi: “Trong nhà em có ai đau vậy, ông bà hay cha mẹ em?” Em Phái đi trước vội chạy lui bấm tay con đau điếng và kề tai nói nhỏ: “Chị đừng nói, ai nghe là chết cả gia đình em, em sẽ đến nhà chị nói chuyện sau.” Trưa hôm đó em đến nhà con, nhà không có ai, anh Hiệu và anh Tài chủ nhà đều đi làm ngoài đồng, em Phái mới kể chuyện bí mật cho chúng con nghe. Em bảo là trong nhà em lúc nào cũng có 3 người lạ mặt, họ bắt người nhà phải canh gác. Mấy người ấy suốt ngày bị còng, mỗi ngày cho ăn một lần là một bát cơm và muối và một chút rau. Cứ ban đêm 12 g, 1 giờ khuya họ đem 3 người ấy đi bảo là đi “học tập”, 4 giờ sáng đem về, một tuần 2, 3 lần đi như vậy. Lúc nào mấy người ấy về cũng đều máu me đầy người, mặt mày sưng vếu, tím bầm… Có khi đem đi 3 người về còn lại 2 người thôi, họ bảo là “người ấy tiến bộ rồi cho về với gia đình” và họ lại đem người khác đến cho đủ số. Họ bảo “đây là bí mật quốc gia, nếu tiết lộ là cả nhà bị giết; và nếu để mất một người là một người trong gia đình phải đền mạng.” Đó là lý do em Phái không cho con đến nhà. Và em cũng cho chúng con biết là trong vùng ấy có nhiều nhà phải canh giữ người như nhà em, nhà ít là 1 người, có một nhà rộng, người đông phải giữ 4 người, còn thì 2 và 3 người, nhiều lắm.

Thì ra chúng con “học tập chính trị” bảo là “dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không có nhà tù”, thật ra nhà tù rải rác trong nhà dân chúng, những nông dân nghèo, chất phác, ở những vùng đồi núi hẻo lánh, những nơi nhà cửa thưa thớt xa nhau… đó là những nhà tù. Những nơi nhà san sát nhau, nhà công chức… không bị cảnh ấy. Chúng con nghe mà xót xa, buồn vô hạn và suy nghĩ miên man. Nhưng chúng con đâu dám hé môi cho một người nào đâu vì vận mạng của cả một gia đình của một em học sinh rất dễ thương vì đặt hết lòng tin tưởng nơi con mới thổ lộ một bí mật mà chắc chắn em mang nặng trong lòng từ lâu.

Con dạy trên ngôi đền ấy chỉ vài tuần thôi thì trường con đã làm xong 2 dãy nhà tranh ven bờ đê Châu Phong thay cho 2 dãy nhà ngói khang trang ngày trước. Và từ đó trường dạy ban đêm từ 7 giờ tối đến 12 giờ khuya. Từ ngọn đồi có nhà Cố Hiệu chúng con thuê đến trường xa đến 7 cây số nếu đi đường cái, nhưng nếu đi băng đường ruộng trên đê nhỏ (diguette) thì độ 5, 6 cây số thôi. Con chưa bao giờ thấy con đường cái vì các em học sinh vùng đồi chỉ dùng con đường tắt.

Mỗi buổi chiều, trước 6 giờ, con đi với các em trong xóm con (Anh Quỵ con vẫn nghỉ phép vì bệnh cho đến khi chúng con trốn về anh con vẫn chưa đi làm lại), khuya 12 giờ ra về, đi đêm tối tăm nên chậm hơn cũng gần 2 giờ sáng mới về đến nhà.

Mà đi học phải mang theo nhiều chuyện lôi thôi lắm, mỗi người phải có một cây gậy dài và một cây đèn lồng vì Ông Trời không tha một tai ách nào. Từ sau lúc bom đạn tơi bời thì chó dại nhiều lắm, người ta bảo chó hoảng sợ phát điên, nhưng con nói phải có dịch chó dại, chớ chó phát điên thì chỉ hung hăng cắn bừa thôi chớ đâu có chết thê thảm thế. Một anh bạn dạy học chung trường với chúng con là anh Nghiêm Trúc bị chó cắn, ngoài ấy không có thuốc tiêm, sau anh phát dại người ta bắt anh trói vào cột giường và anh sùi bọt mép, mặt đỏ gay, tru lên rất rùng rợn; bạn bè trong trường và chúng con đến thăm chỉ biết nhìn anh mà khóc chớ có làm gì được, anh chết rất thê thảm, gia đình ở xa. Rồi một chị ở gần nhà con, buổi trưa nằm võng ru con ngủ, một con chó ở đâu nhảy vào cắn cũng chết rùng rợn như anh Trúc… Mãi đến tháng 9 trời đã dịu nắng, đã có đôi ngày gió thu heo hắt, mà vẫn còn chó dại. Một đêm ở trường về, lúc ấy cũng khoảng hơn 1 giờ sáng, chúng con, một nhóm bảy tám người, bị một con chó dại tấn công; con vội chụp lấy mấy cây đèn gió của các em học sinh và các em cầm gậy múa tứ tung, nhưng con chó dữ lắm, nó cứ chồm tới. Con sực nhớ “chó dại sợ nước lắm”. Con vội bảo các em nhảy ngay xuống ruộng (vì chúng đi về trên con đê nhỏ băng ruộng), dùng nón tát nước, một chốc con chó sợ chạy mất, chúng con mới leo lên bờ tiếp tục đi về nhà.

Học trò của con trong lớp đêm hồi đó có từng nhóm, nhóm gần trường là Châu Phong, Đông Thái, Đức Thọ, nhóm xa có nhóm Chợ Cầu… vì đi đêm 1, 2 giò sáng phải tìm bạn chớ không ai dám đi lẻ tẻ vì sợ. Nhóm các em Chợ Cầu và dưới Chợ Cầu ở xa nhất, từ trường về nhà phải 7, 8, 10 cây số. Sau mấy tháng học đêm, con để ý thấy mấy em nhóm Chợ Cầu (7, 8 em trai) xem bộ buồn bã và gầy xanh. Một hôm vào giờ ra chơi con gọi các em ở lại lớp, con bảo các em là con thấy các em sức khoẻ sút kém, các em đang tuổi lớn (15, 16, 17 tuổi) cần ăn ngủ, mà đi học đêm các em ở xa phải 2, 3 giờ sáng mới về đến nhà; vậy phải tìm cách ngủ bù ban ngày bên miệng hầm hay dưới hầm… Con lấy làm lạ vì thấy các em im lặng nhìn nhau, rồi thúc cùi tay nhau nói nhỏ: “Nói đi, không can gì đâu, nói hết cho chị nghe.”

Các em học sinh vùng Chợ Cầu và Chợ Tràng (xa hơn Chợ Cầu độ 2 tới 3 cây số) đến trường trên con đường hồi ấy gọi là Quốc lộ số 8 (đi từ Vinh đến Linh Cảm rồi qua sông Phố Châu qua Lào). Hai bên đường Quốc lộ số 8 không có xóm làng, nhà cửa, ruộng lúa… mà là ruộng mía trùng trùng điệp điệp. Mía ở ngoài ấy không phải như mía ở Huế mỗi bụi 7, 8 cây cong keo trồng rời rạc, đây mía trồng từng luống sát nhau và bụi này sát bụi kia, cây cao thẳng ít nhất là 2 m 50 rồi đến lá và hoa, hoa mía giống hoa bắp mà lớn mạnh hơn, thành ra cây mía cao cả 3 m 50 hay hơn và dày đặc. Ai ở trong ruộng mía, ban ngày cũng khó tìm kiếm, ban đêm thì chắc là chịu.

Các em học sinh nhóm Chợ Cầu, Chợ Tràng nói với con là các em sợ lắm, nhiều câu hỏi cứ lảng vảng trong trí, nhiều lo lắng thắc mắc trong lòng mà không dám thổ lộ với ai, không biết tìm giải đáp nơi nào.

Mỗi buổi chiều lúc các em đi đến trường (khoảng 4 giờ 30 đến 5 giờ chiều) trên con đường số 8, tứ bề im lặng, gió chiều dầu có lay động hoa mía lá mía cũng chỉ gây nên một bản nhạc đều đều trầm buồn chớ không đủ làm xáo động bầu không khí êm đềm của buổi chiều hoang vắng; nhưng ban đêm là một sự rùng rợn hãi hùng.

Các em đi học đêm đều có gậy và đèn gió. Phần nhiều đêm nào cũng vậy, lúc các em đi ở xa nghe phía trước xa có tiếng quát tháo, la mắng, đánh đập và tiếng khóc la, van nài, tiếng thét vang đau đớn… lúc gần đến nơi chỗ đoán là có tiếng động ấy thì chỉ nghe hai bên bờ ruộng mía xáo động rào rạc, mặc dầu không có gió, rồi im lặng. Đi xa chỗ ấy lại nghe phía trước và phía sau xa xa có ánh đèn và những tiếng động rùng rợn như từ cõi âm ti dịa ngục kia lại nổi lên, lúc đến gần gần, ruộng mía lại xao động xào xạc rồi lại im lặng. Suốt quãng đường dài ấy có đến mấy đoạn có tiếng “ma khóc quỷ hờn” ấy.

Các em sợ tái người nên ban đêm chỉ chuyện trò cười giỡn lúc đi qua các xóm làng thôi, còn lúc ra đến đường số 8 thấy ánh đèn mờ thật xa là các em đã đi sát vào nhau, im lặng và lúc nghe tiếng la hét… là run lên bần bật.

Một hôm, sau mấy ngày đi học đêm, trời nắng ráo đã lâu rồi, đêm ấy không trăng trời tối lắm, các em đang đi, nhiều em bỗng dẫm phải cái gì nhơn nhớt như bùn ướt, lúc soi đèn mới thấy là từng vũng máu, các em lạnh toát người mà không dám la, muốn vùng chạy mà lại không dám chạy vì sợ có người biết mình đã biết được những gì không nên biết. Và sau này thỉnh thoảng các em lại gặp phải chuyện như thế. Các em thắc mắc, lo lắng, ưu tư… nhờ con giải thích và hỏi phải làm sao…

Con lạnh người, ngơ ngẩn, bàng hoàng… nhưng đâu dám mở miệng giải bày một điều gì đâu. Con chỉ bảo các em: tuổi các em là tuổi ăn học, cố gắng học hành, cố gắng bình tâm để tâm hồn được thanh thản, còn những chuyện các em nghe thấy là “chuyện ma hay chuyện người” như lời các em hỏi thì hãy để hoặc là người của thế giới vô hình hoặc là người có dính líu đến những chuyện ấy làm sao thì làm, chưa phải lúc mình bàn đến.

Con thuật lại những chuyện ấy cho Anh Quỵ con và chúng con mất hết cái hồn nhiên vui vẻ của tuổi trẻ từ đó.

Đem hai chuyện của em Phái kể và của các em nhóm Chợ Cầu, Chợ Tràng nhập lại thì hiểu rõ mọi chuyện.

Thì ra đêm đêm họ đem những người bị giam cầm ở nhà dân ra đường số 8 tra khảo, đánh đập, cùm kẹp… nếu có chết thì chôn xác mất tiêu. Họ có sợ gì đâu, vì đi đêm ai cũng có đèn, đèn đến gần thì cứ bịt miệng nạn nhân kéo xuống ruộng mía trùng trùng điệp điệp và dày đặc, rồi đèn đi xa lại kéo lên tiếp tục… Một “chế độ không có nhà tù” mà nhà tù là đồng núi bao la, không tốn cơm ăn, không tốn người canh giữ; phòng tra khảo không phải là một hai phòng hẹp ở một ngôi nhà nào mà là trời rộng thênh thang, đường dài đến mấy cây số, cùng một lúc có thể tra khảo bao nhiêu nạn nhân… Thật là rùng rợn, hãi hùng.

Chúng con may mắn được các em tin cẩn nên dám thổ lộ những việc “mắt thấy tai nghe” ấy chớ chắc gì mấy người khác biết được. Mà chúng con cũng đâu dám hé môi nói lại cho một người nào biết đâu, cho nên những người bị chết oan trên con đường số 8 vào một ngày xa xưa kia vẫn mãi mãi biệt âm vô tín, mãi mãi là những oan hồn vất vưởng gia đình không ai hay. Thật là tội nghiệp!

Như các em học sinh nói với con “Lúc đầu chúng em sợ quá nghĩ là ma”, những việc xảy ra sau làm cho các em xác định không phải ma.

Riêng phần con, chắc đi đêm con đã gặp ma rồi. Con xin kể chuyện này để Thầy Cô khuây đi cảm giác vừa rùng rợn vừa xót xa khi nghe qua câu chuyện của các em học sinh vùng Chợ Cầu, Chợ Tràng.

Vừa mới về dạy đêm nơi ngôi trường tranh ven bờ đê Châu Phong độ mươi bữa thì tối hôm ấy, không biết trước, trường cho hay là sau lúc học sinh ra về, tất cả nhân viên phải ở lại họp. Lúc họp xong ra về, con không nhớ rõ, nhưng chắc phải hơn 2 giờ sáng. Bạn bè ở nhiều nơi, người thì Đông Thái, Đức Thọ, kẻ thì Linh Cảm, Chợ Nướt, phần đông thì ở Châu Phong phía sau đồng ruộng không bị cháy nhà, chỉ một mình con ở phía đồi Tùng Ảnh xa ấy. Lúc mọi người tản mác ra về cả rồi và những ngọn đèn dầu trong trường đã tắt hết, con mới hoảng hốt vì con không hề có đèn. Các em trong xóm nhà Cố Hiệu có bảo để ở lại chờ con nhưng con bảo về vì sợ cha mẹ các em mong, chỉ nhờ ghé tin cho Anh Quỵ con là con phải họp; con cũng quên mượn một cây đèn.

Trời tháng 10 tối đen như mực, lại mưa lâm thâm. Con đường từ trường ra đến bờ ruộng dài độ non một cây số, thẳng và khá rộng mà trời tối quá cũng khó đi, may là một chốc trời có chớp con nhìn thấy 5, 6 thước trước mặt rồi lại phải dừng lại chờ cái chớp… Đến khi ra đến bờ ruộng thì con hoảng sợ vì không biết phải đi trên con đê nhỏ (diguette) nào. Chỉ mới mươi ngày đi với mấy em con không để ý, mà ruộng mênh mông không có nhà cửa, cây cối để làm một cái mốc, và những con đê nhỏ ngòng ngoèo ở đâu cũng giống nhau, nếu đi ban ngày con cũng không biết đường đi nữa huống là ban đêm mưa lâm thâm, trời tối đen như mực. Lúc ấy con sợ quá sức, không muốn khóc mà nước mắt tự nhiên trào xuống má. Lúc trời chớp thấy mấy con đê chằng chịt mà con vẫn đứng im, hoang mang, lo sợ. Con bỗng thốt ra một câu chỉ đủ con nghe thôi, cầu Trời cho con về đến nhà bình yên và tìm ra được đường về. Tự nhiên con nghe tiếng động sau lưng. Nhìn lui lại con thấy một ông đi câu, đầu đội nón lá sụp xuống nên con không thấy mặt, mang một cái tơi lá, vai mang cái oi đựng cá, một tay cầm 2, 3 cái cần câu, một tay cầm một cây đèn gió. Ông đi qua mặt con và bước xuống ruộng (ông không đi trên đê). Con không suy nghĩ gì hết vội vàng chạy theo ông bước ngay xuống ruộng, và nói: “Ông ơi Ông! Ông cho tôi đi theo với, tôi không có đèn, trời tối quá tôi không thấy đường mà đi. Ông đi về vùng nào? Ông có biết nhà Cố Hiệu ở trên ngọn đồi gần cây đa giữa đồng không?” Ông không trả lời, không nói năng gì cả cứ tiếp tục đi bì bõm trong bùn và đi rất nhanh. Con cũng cứ chạy lúp xúp bì bõm trong bùn để theo ông. Con muốn phá tan bầu không khí vắng lặng nên cứ tìm chuyện ra nói: “Nhà Ông ở đâu? Thường Ông đi câu có nhiều cá không? Trời mưa và lành lạnh như hôm nay cá có cắn câu không?…” Ông hoàn toàn im lặng, cứ tiếp tục đi, và con không hề thấy mặt ông.

Bỗng chốc ông bước lên một mô đất nhỏ, ở giữa có một cây đa cổ thụ, rễ phụ lòng thòng, đó là mô đất và cây đa độc nhất giữa cánh đồng mênh mông. Con mừng quýnh vội la lên: “Cây đa đồi Cố Hiệu đây rồi”, và ngó lên trước để cám ơn ông. Con không thấy ông đâu nữa và tứ bề trời tối đen như mực, một màn đêm mênh mông không một ánh đèn. Con sợ quá, chân con như nặng cả ngàn cân không sao nhấc lên để chạy, con đứng như bị Trời trồng và hét lên một tiếng lớn chưa bao giờ hét được như vậy.

Anh Quỵ con nghe tiếng hét mà biết là tiếng của con nên vội cầm một cây đèn dầu nhỏ đi xuống đồi, rồi đi theo một con đê nhỏ độ 30, 40 thước thì đến cây đa. Con vừa thấy Anh Quỵ con tự nhiên con khóc oà.

Sáng mai kể chuyện lại cho anh Hiệu, anh Tài chủ nhà, hai anh nói là may phước cho con được Ông Thần cây đa đưa đường, chớ không phải ma đâu. Hai anh lại bảo có nhiều người bị ma thu giữa bụi tre rậm, cả miệng bị trét bùn, chân tay bị gai nè đâm.

Sau đó chúng con không dám ở trên đồi nữa vì sẽ có nhiều lúc con phải đi về khuya một mình, và trường con cũng về lại bờ đê Châu Phong rồi.

Chúng con tìm được một ngôi nhà tranh bên bờ đê Châu Phong cách trường hơn 1 cây số. Và ban đêm đi dạy, ban ngày mọi hoạt động vẫn trên miệng hầm. Bom đạn vẫn tơi bời và đời sống dân chúng sôi động vì lo lắng như biết trước một việc gì sắp xảy đến.

Những chuyện trên con đường số 8 và những ngôi nhà mang nhiều bí mật trên ngọn đồi nhà Cố Hiệu cứ lảng vảng trong trí chúng con, chúng con thật sự mất hẳn tuổi trẻ từ đó.


Nay Kính,

Con,

Thương Thương




***  Trang Gia Đình :  ~.~  GÓC VƯỜN CỦA MẸ  ~.~
      - Trần Thanh ĐạtDi Cấu Từ Đường
      - Trần Thị Hồng CẩmDuyên Thơ  (Trích tập thơ DUYÊN THƠ, 1948)
      - Trần Thị Hồng CẩmCảm Đề Bức Tranh Nhật  (Trích tập thơ DUYÊN THƠ, 1948)
      - Phạm QuỵThầy Nguyễn Đình Thuý  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1996)
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần I
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần II
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần III
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần IV
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần V
      - Thương ThươngDặm Mòn (Chốn Cũ)
      - Trần Thanh DiệuTiếng Sấm Đầu Mùa
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Cây Thế Hệ
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Phần I , Phần II , Phần III , Phần IV
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Phòng Nghĩa
      - Khanh TươngDo you think the dead can communicate with us?
      - Diên ChiCái Vùng Nắng Sáng Ngày Xanh Ấy...
      - Diên ChiKhung Trời Tuổi Ngọc  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1995)
      - Diên ChiBa Tôi  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1996)
      - Diên ChiHương Phấn Trùng Khơi  (Trích tập thơ HƯƠNG PHẤN TRÙNG KHƠI, 1998)
      - Trúc HuyPlaying In The Middle… / Chơi Giữa Mùa Trăng (Hàn Mặc Tử)
      - Trúc HuyThe Stars / Les Étoiles (Alphonse Daudet)
      - Trúc HuyNhững Vì Sao / Les Étoiles (Alphonse Daudet)
      - Trúc HuyVài Kỷ Niệm Về Trường Lycée Français Huế (I & II)
      - Trúc HuyVoici Le Hameau Vỹ Dạ / Đây Thôn Vỹ Dạ (Hàn Mặc Tử)
      - Trúc HuyBản dịch Anh-Pháp bài “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”
      - Trúc HuySchool Of My Heart… / Bỏ Trường Mà Đi (Chế Lan Viên)
      - Trúc HuyÉcole De Mon Coeur… / Bỏ Trường Mà Đi (Chế Lan Viên)
      - Trúc HuyTường Thuật Về Một Giấc Mơ Kỳ Lạ
      - Trúc HuyYou Must Live / Anh Phải Sống (Khái Hưng)
      - Trúc HuyA Silhouette In The Fog / Bóng Người Trong Sương Mù (Nhất Linh)
      - Quỳnh ChiSouvenirs de Huế avec ma Mère et sur la colline Quảng Tế à Nam Giao
      - Quỳnh ChiEssais d'interprétation - Un Rêve Étrange et Merveilleux
      - Thiết-Tranh TrầnÔng Nội tôi và ngôi nhà trên đồi Quảng Tế Nam Giao
      - Lang-Hoàn PhạmA Place Called Childhood
      - Lang-Hoàn PhạmOutside The Frame
      - Anna Quỳnh-Châu TrầnMaman - poème  (Prix PLUME D'OR 1990)
      - Văn TuyểnAnh Phải Sống, Bóng Người Trên Sương Mù, Chơi Giữa Mùa Trăng, Tôi Đi Học, Bỏ Trường Mà Đi, Bông Hồng Cài Áo, Buổi Chiều Hằng Cửu ...