HOME

My favorite
  Quotes on
  Happiness

Mạn Đàm về
  Chữ và Ngĩa
  (Trúc Huy)

École de
  mon Coeur ...
  (Chế Lan Viên)

A Silhouette
  in the Fog
  (Nhất Linh)

You Must
  Live
  (Khái Hưng)

School of
  my Heart ...
  (Chế Lan Viên)

Heart of
  Perfect Wisdom
  (Prajna
  Paramita)

Book Review

Góc Vườn
  Của Mẹ

My Family
  Photos

Viet Links

Email :)

  ~~ Scenery ~~ 



Hồi Ký của THƯƠNG THƯƠNG
NHỮNG NĂM DẠY HỌC LIÊN KHU IV
( 1946 - 1952 )
~ Phần III ~




Falls Church, 18 tháng 5 năm 1995


Kính Thầy Cô,

Đáng lẽ con phải viết thư kính thăm Thầy Cô lâu rồi, nhưng con cứ bận những việc lặt vặt linh tinh, không sao tỉnh tâm tỉnh trí ngồi ôn lại những chuyện ngày xưa để kể lại mong Thầy Cô được vui chốc lát.

Sau một mùa hè và những tháng cuối năm rất vất vả của 1950, lo vụ đạc điền, rồi bình nghị đẳng cấp ruộng nương, đến bình nghị thu hoạch, tiếp đó đến vụ thu thuế ruộng. Chúng con công chức ngành giáo dục, không thiếu mặt nơi nào. Ngày chủ nhật chúng con phải đến một địa điểm, có khi phải đi xa hàng chục cây số, dân làng bị gọi là địa chủ phải gánh lúa đã phơi quạt rồi đến nộp thuế. Ở đó có mấy cái bàn nhỏ, mỗi người phụ trách một quyển sổ của một xã; có 4, 5 cái máy quạt tay và bao nhiêu bồ lúa. Họ gánh lúa đến phải đổ vào máy quạt lại, cho bay thật hết các hột lúa dẹp, rồi đong và cân cho đủ số phải đóng thuế, vào sổ sách, rồi lúa mới được cho vào bồ. Vừa nắng, vừa bụi lúa mù mịt, vừa ồn ào tiếng nói, tiếng la, tiếng van nài khóc lóc... Sau một ngày về là phờ phạc. Sau khi thu thuế lúa xong mọi người đổ xuống đau. Anh Quỵ con bị suyễn nặng quá, ngày nhỏ anh con không bị suyễn, ra ngoài ấy vất vả bị suyễn nhưng thỉnh thoảng mới có một cơn, sau này thì nặng quá phải nghỉ dạy một thời gian dài. Cũng may sau khi hoàn tất việc thu thuế, công chức chúng con được tạm nghỉ những công tác ấy một thời gian, chỉ có việc dạy và học tập chính trị một tuần hai đêm và thỉnh thoảng có họp và công tác đặc biệt thôi.

Nhưng đời sống vật chất thì đã đến lúc nguy lắm, nên con phải làm đủ nghề để phụ thêm cho đồng lương quá eo hẹp. Con lãnh bông vải về nhà cán rồi xe sợi. Họ đưa cho mình cả kiện bông ép chặt, bông vừa lấy ở hoa vải ra còn đầy cả hột, mình đem về cho bông vào máy cán để cho hột tách riêng ra, rồi cho bông đã hết hột vào một cái máy khác cho xe lại thành con cúi (từng thỏi bông lớn độ bằng ngón tay cái lớn và dài độ 1/2 m thì cắt) xong rồi lại cho con cúi vào một cái máy kéo ra sợi làm thành từng guồng lớn. Những guồng sợi phải ngâm nước, một ngày một đêm, rồi đem ra dùng một cái chày trơn đập kỹ, xả nước cho sạch; ngâm lại, rồi đập, rồi xả, rồi ngâm; phải ngâm 3 lần, đập 3 lần, xả 3 lần rồi phơi khô; sau đó giao lại cho họ, họ mới hồ và dệt vải. Thế là cả ngày đi dạy, chiều về cơm nước xong là con thức cán bông, xe con cúi, rồi ngâm đập... Tuy vất vả (nhất là ngâm và đập -có cô em út giúp- nếu không ngâm kỹ, đập kỹ thì sợi bở lắm) nhưng con thấy nghề cán bông kéo sợi có một cái gì nên thơ lắm, ở trong nhà vừa làm vừa hát, đọc thơ... cũng vừa ru con vào giấc ngủ êm đềm vậy.

Nhưng nghề cán sợi kéo bông chỉ được mấy tháng trong năm, sau mấy tháng hết mùa hái bông thì cũng hết. Con lại đi chằm nón. Họ đưa cho mình cả một kiện lá kè khô, nhăn nhúm, khô dòn. Thế là phải lấy một liếp lá ngâm vào nước lạnh ít nhất là một đêm. Rồi đi xin mấy cái lưỡi cày gãy, miếng lưỡi nào lớn để làm cái bàn, miếng nhỏ độ bằng nữa bàn tay hay hơn để làm bàn ủi; đặt cái bàn lưỡi cày (phải mài cho trơn và không rét) xuống đất; miếng lưỡi cày nhỏ cũng mài trơn đốt trên lửa cho nóng, bọc vào một xấp vải cũ rách nhúng nước vắt ráo, cầm cái bọc có lưỡi cày nóng ấy, trải tấm lá kè trên cái bàn lưỡi cày và cứ cầm cái bọc nóng vuốt từng lá một, cả hai mặt lá cho đến khi thẳng và láng bóng; phải ủi từng lá một để sang một bên. Xong đâu đấy rồi mới lên khuôn nón rồi may từng mũi chỉ. Con chằm nón dưới một gốc cây bên miệng hầm, vì bom đạn quá, có báo động là nhảy xuống hầm, thu nhanh cái nón vào bụi cây vì sợ máy bay thấy màu trắng.

Hết chằm nón con lại đi làm thuốc lá. Làm thuốc lá thì buồn hơn vì không ở nhà được phải đến nơi của họ. Con chỉ biết tước lá thuốc cho cọng và gân lớn của lá riêng ra. Rồi lá ấy họ ủ mấy ngày cho héo, xong họ nấu cọng thuốc phun vào lá, rồi ủ lại; như vậy mấy lần họ mới xe lại từng xe dài độ 40 cm, tròn đường kính độ 3, 4 cm rồi họ cắt trong cái dao cầu cắt thuốc bắc, rồi vấn lại như thuốc tây..., mọi việc làm bằng tay.

Ngoài những việc theo từng mùa ở trên, việc thường xuyên của con là đan áo sợi (tay cánh thôi, khi nào họ đặt áo tay dài mới đan) cho một bà bán áo sợi nơi một nhà hàng. Một cái áo tay cánh họ cho tiền công 100 hay 120$ mà lúc ấy một cái trứng gà đã 80 - 100$ rồi. Đêm nào con cũng cặm cụi đan (mỗi tuần hay hai tuần giao hàng một lần). Đêm không trăng thì đan dưới ngọn đèn dầu leo lét, đêm nào có trăng thì ngồi bên cửa sổ đan dưới ngọn đèn trời sáng hơn và thanh mát hơn; phần nhiều mỗi tuần con đan được hai áo; khi lãnh sợi thì cân, khi giao áo thì cân áo, và cân sợi còn lại rồi trả, nhận tiền.

Miền con ở là miền nuôi tằm, dệt lụa. Con cũng bắt chước người ta nuôi tằm, nhưng con chỉ nuôi được có một lưá (4 nong lớn) vì lúc con tằm nhỏ bằng nửa con kiến thì con ít sợ, chỉ việc cắt nhỏ lá dâu rải lên, một chốc nó lên cả trên lớp lá dâu mới, thế là con dùng đôi đũa gắp từng lớp dâu cho qua nong mới (mỗi đêm phải mỗi thay nong và cho dâu mới cho nó ăn cả đêm, ban ngày phải cho dâu hai lần nữa nhưng không thay nong) nhưng độ 3 ngày sau nó bắt đầu lớn, con sợ hết vía, Anh Quỵ con phải thay nong và rải dâu dùm con, nhưng có một đêm anh con đau nhiều, lên cơn suyễn nặng không giúp được con, con phải làm; mới mở cái nong đậy lên con hét quá vì con sợ quá sức, mấy con tằm đã to bằng ngón tay út và dài bằng ngón tay trỏ. Bà hàng xóm trước mặt nhà nghe con khóc và hét chạy qua; bà hiểu ra chuyện, cười ngất bảo con từ nay để bà bỏ dâu và thay nong cho, bà đưa tay không bắt từng con một cho qua nong sạch và lấy dâu cả cành cả lá cho lên trên, “tằm đã ăn lên, sắp làm kén, không phải cắt dâu”. Mấy ngày sau con tằm vàng như tơ không ăn nữa; bà bảo con lượm cành trúc, cành hóp, bà để một nong đầy cồm, thế là con tằm tự leo lên và nhã tơ làm kén. Xong rồi để vài ngày sau gỡ kén ra. Nấu một nồi lớn, nước gần sôi, bỏ một nắm kén vào, dùng một đôi đũa dài trộn vài vòng, tơ nó dính vào đũa, một sợi tơ là 4, 5, 6 múi tơ trong mấy cái kén, dính lại, cho múi tơ vào guồng tơ, quay guồng tơ bằng tay trái, nồi nước sôi bên tay mặt; tay mặt cứ cầm đũa vuốt vuốt nơi sợi tơ để cho nó suôn, mịn; tay trái cứ quay guồng tơ. Chốc chốc lại cho một nắm kén vào nước. Thế là con làm được mấy guồng tơ vàng óng, đủ để dệt một tấm lụa. Nếu tay mặt cầm đũa không vuốt đều nơi mấy sợi tơ thì thỉnh thoảng nó có gút thì tơ ấy dệt đủi chớ không dệt lụa được và bán rẻ hơn. Bà hàng xóm bán dùm tơ cho con. Sau này con đi kéo tơ một vài lần cho người ta chớ không bao giờ con nuôi tằm nữa. Con thích kéo tơ dệt lụa vì con yêu âm thanh của guồng tơ quay đều đều, và âm thanh của con thoi đưa qua đưa lại nhịp nhàng, nhất là đêm khuya thanh vắng, những âm thanh nhẹ nhàng ấy cho ta nghĩ đến một cảnh thanh bình êm ấm. Nhưng thật chỉ là lòng ước mơ của mọi người thôi; cảnh bình lặng vài tháng nay cũng chỉ như trời quang đãng, gió yên lành trước một cơn bảo tố. Người ta đang manh nha một việc gì, một chiến dịch mới đang thành hình.

Một buổi chiều, sau khi cơm nước xong, chúng con dắt hai cháu nhỏ đi dạo trên bờ đê ven bờ sông La. Đang nói chuyện bỗng Anh Quỵ con la lên: “Thôi chết rồi, em ơi!”, bàn tay anh nắm chặt lấy cánh tay con mà run lắm, con nhìn qua anh thấy mặt anh con tái mét mà mắt mở trừng trừng nhìn lên phía trước. Con hoảng sợ nhìn theo ánh mắt anh thì thấy phía trước xa có treo một cái biểu ngữ, con đọc thấy viết: “Phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giai cấp”. Ngày ấy tuy học tiếng Việt không nhiều nhưng con cũng không đến nỗi tệ lắm; và chữ Hán con cũng học thêm với Thầy con ngoài cái học ở trường nên con đã viết chính tả bằng chữ Hán được, vì vậy đọc câu biểu ngữ trên, từng chữ thì con hiểu nhưng chung lại thì con không hiểu rõ nói cái gì, nhất là không hiểu vì sao Anh Quỵ con mới thấy câu ấy mà run đến thế và tái mặt đến thế. Con hỏi dồn dập: “Anh có sao không?... Tại sao Anh run thế?... Câu ấy nói cái gì?...” Anh con đưa tay ra dấu bảo đừng hỏi, rồi nhìn quanh quất trước sau không thấy ai, và chiều hôm ấy trời quang gió lặng (nếu có gió không dám nói vì luồng gió mang tiếng nói đi xa lắm), anh mới nói nhỏ bên tai con: “Cọng sản rồi, không sống được đâu, nguy lắm rồi!” Con đâm ra lo, nhưng thật sự con lo vì cái lo của Anh Quỵ con, chớ con cũng chưa biết gì về cọng sản bao nhiêu. Nhưng không bao lâu sau thì con hiểu dần dần. Ở ngoài ấy chuyện gì cũng thành một “chiến dịch” và một chiến dịch đều mở màn bằng bao nhiêu biểu ngữ, bài hát, câu hò...

Ngày ấy chúng con “học tập” về cuộc kháng chiến chống Pháp có 4 giai đoạn:

      1 - Tiêu thổ kháng chiến
      2 - Du kích kháng chiến
      3 - Vận động chiến
      4 - Tổng phản công

Con chỉ nhớ sơ sơ vậy thôi vì con rất dốt nát về chính trị, mà mỗi buổi học chính trị con không bao giờ nghe; con không chuyện trò với ai cứ ngồi một góc với một quyển tập ghi chép rất sơ sài, còn thì cứ hai cái tay con, tay mặt và tay trái chơi X O với nhau thôi; họ thuyết trình ở trên nó vào trong tai cái gì thì biết cái ấy. Thế mà một hôm con bị bắt làm thuyết trình, con năn nỉ: “Tôi chưa biết một, xin cho tôi ngồi nghe để biết thêm hai, ba phần; chớ tôi đem cái hiểu biết rất nông cạn của tôi trình bày ra thì ích lợi được gì cho ai” thế mà họ cứ bắt con làm. Con nhờ Anh Quỵ con làm, con đọc qua đọc lại mấy lần mà vẫn mờ như người đi đêm. Đến ngày thuyết trình con nói với chủ toạ đoàn và chính trị viên: “Tôi tìm hiểu để thuyết trình, nhưng hiểu biết của tôi vẫn nông cạn lắm. Vậy tôi xin thuyết trình nhưng nếu có anh chị nào chất vấn xin các ông trả lời dùm tôi, tôi không biết trả lời đâu”. Thế là con thuyết trình như một con vẹt tập nói rành mấy câu, còn thì họ chất vấn cái gì con cũng chẳng để ý, có khi mấy ông ấy trả lời, có khi mấy ông chần chờ thì Anh Quỵ con đỡ lời cho con.

Giai đoạn “tiêu thổ kháng chiến” bao nhiêu biểu ngữ “vườn không nhà trống”, “một tấc đất cũng không để cho giặc Pháp”... Rồi bỗng chỉ một đêm thôi, thành phố Vinh, Hà Tĩnh... bị bỏ mìn, sáng mai lại dân chúng có nhà cửa, cửa hàng, phố, chợ... ngẩn ngơ nhìn một hoang tàn đổ nát. Chưa có một trận bom nào tàn phá đến như vậy; thật là bình địa, của mồ hôi nước mắt từ tổ tiên để lại... chỉ một đêm thành cát bụi, cây cối cũng không còn. Có người mất trí luôn sau vụ mất mát ấy. Con không thấy cảnh ấy, nhưng Anh Quỵ con có lần đi chấm thi bên Bạch Ngọc (Nghệ An) đi qua thành phố Vinh thấy cảnh điêu tàn ấy. Dân chúng chỉ được báo trước có mấy ngày để thoát thân thôi. Sau “tiêu thổ kháng chiến” thì song song với “du kích chiến” là có chiến dịch “thành thị hoá thôn quê”, những người ở thành thị phải đổ dồn vào mấy làng quê, tập trồng trọt, ruộng nương, và người thôn quê bắt chước người thành thị; chắc trong lịch sử Việt Nam, cái mấn (cái váy) của người đàn bà thôn quê từ vùng Nghệ Tĩnh ra Bắc không còn nữa từ năm ấy (1949-50). Rồi đến giai đoạn “vận động chiến”, thấm thoát đã đến “tổng phản công”, thôi bao nhiêu là biểu ngữ mừng ngày chiến thắng trong tương lai; và trong giờ “học tập chính trị” chúng con phải tập một bài hát “Ngày mai tươi sáng”, con còn nhớ bài hát, con xin chép ra một tờ giấy riêng để Thầy Cô xem cho vui. Chúng con học mãi về Tổng phản công, lúc đầu thì hân hoan, hăng hái... dần dần lơ là dần, và một hôm chúng con phải học “Trường kỳ kháng chiến”, lại bao nhiêu biểu ngữ và một bài hát mới “Chiến tranh còn dài” thế là con ngày nào cũng hát bài ấy để ru con ngủ và khóc sướt mướt vì không biết có ngày về hay không.

Hai năm 1950 và 1951 là hai năm sôi động nhất. Chỉ có hai năm mà bao nhiêu chuyện xảy ra dồn dập, tới tấp đến nỗi bây giờ nghĩ lại không hiểu vì sao có nhiều chuyện thế.

Cuối hè năm 1950, trời làm một trận lụt lớn, vỡ đê. Tuy đê vỡ ở Lam Kiều (cùng chung một con đê ven bờ sông La, từ Linh Cảm đến Lam Kiều) cách nhà con cũng khoảng 25 - 30 km thế mà nhà con, ngôi nhà tranh nhỏ làm trên nền đất nện, cũng lún xuống đất cả hơn một thước tây. Trời chỉ mưa có mấy ngày thôi, cứ mưa rào rào một trận rồi nắng ráo trời quang, rồi lại mưa rào rào, rồi tạnh ráo nắng vàng hiu hiu, cứ như vậy thôi, thế là người dân quê biết là mưa lụt. Mõ rao khắp làng: “mỗi nhà mỗi đầu đinh là 5 bao cát”. Trong nhà con có Anh Quỵ con và cháu trai thế là hai đinh, con phải đi mua bao lát đựng gạo và cát, ở ủy ban xã và về làm 10 bao cát để sẵn. Từ trưa hôm ấy mõ đã rao khắp làng: “dân đinh từ 15 tuổi đến 50 tuổi ra hộ đê”. Thế là trên bờ đê Châu Phong đen nghịt cả người. Bao nhiêu trống, phèn la, xập xoã... trong làng đưa lên bờ đê, cả nồi đồng, đồ sắt nữa, đánh vang dội, nghe tiếng loa gọi chỗ nào có nước xoáy là họ cứ vào những nhà gần đấy mang mấy bao cát ra nhét thật kỹ. Và rùng rợn nhất là tiếng trống ngũ liên đánh liên hồi, mỗi khúc đê có một cái trống cùng đánh một lúc, tiếng vọng rất xa. Tối đến trời mưa đồn dập, tối đen, nhưng bờ đê là một dòng ánh sáng, bao nhiêu đèn gió, đèn bão đều đem ra, và đuốc cây đu đủ (cây đu đủ lúc gìa chết không bao giờ đem vứt, để một góc vườn, bao giờ thịt nơi thân cây mục, tiêu theo mưa nắng, nó còn lại một thân dài xơ như xơ mướp mà mềm xốp hơn, thế là người ta bó lại từng khúc lạt như đòn chả khổng lồ, dùng làm đuốc rất tốt vì lửa không tắt dưới mưa, lúc nào mưa thật lớn mới sợ tắt thôi). Lúc này canh khuya trời tối mịt, tiếng trống ngũ liên lại càng rùng rợn hơn nữa, chúng con sợ thót cả người như tim rụng. Bỗng chốc tiếng trống ngũ liên lại càng dồn dập hơn, và phèn la, xập xoã, soong nồi cùng khua vang, rồi tiếng loa và mõ cũng thét: “Không cầm cự được nữa, di tản ngay, di tản ngay”. Thế là mọi người tuôn ra đường, hướng ngược về phía con đê ra đồi núi. Chúng con chạy ra vườn thì ra nước đã ngang ngực con rồi. May cho con lúc ấy trong nhà có chú em Anh Quỵ con vừa đậu Tú tài xong đến ở nhà để Anh Quỵ con dạy Pháp văn để thi vào trường thuốc ở Thanh Hoá (khi ấy trường thuốc còn học theo tiếng Pháp vì dùng sách Pháp), còn một cô út thì ở chung với chúng con lâu rồi, cô mới 9, 10 tuổi đang học lớp 3; Anh Quỵ con vì đau nên không đi hộ đê, thế là anh cõng một cháu, chú em cõng một cháu, còn cô út và con, hai chị em dắt nhau chỗ nào nước cao thì nắm tay nhau nhảy, vì vậy đi lâu lắm mới qua khỏi con đường làng nước ngập; rồi chúng con cứ theo dân chúng lên núi vào một ngôi đền ngồi một góc. Vừa mới ngồi xuống thì một tiếng “ầm” long trời lỡ đất, mấy trăm người chật nghẹt nơi ngôi đền đều oà lên khóc. Đê vỡ rồi! mà không biết vỡ khúc nào, khúc nào gần đó thì sẽ không còn một viên gạch nền nhà nữa. Lúc ấy độ 4 giờ sáng. Trưa hôm sau chúng con mới biết là vỡ ngay khúc nhà thương Lam Kiều; may mà chiều hôm trước họ đã di tản hết bệnh nhân và nhân viên, dân chúng quanh vùng cũng được lệnh đi hết rồi. Lam Kiều thành bình địa. Lúc chúng con trở về thấy lạ vô cùng, cái nhà tranh của chúng con cao độ 2m50 thêm cái mái nhọn nữa là độ 3m50, lúc về ngôi vườn thấy mái nhà úp trên mặt đất, chắc tường còn hơn 1 m thôi; thì ra nền đất sũng nước nên mọi vật đều lún xuống đất, chỉ có cái mặt bàn, cái mặt bằng của cái tủ gỗ, 3 cái mặt giường nằm sát mặt đất như nền nhà còn thì không có gì nữa. Nhà ai ở trên nền đất như của chúng con đều bị tình trạng như vậy.

Vì thiên tai, vì chiến tranh lan rộng... nên chiến dịch “Phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giai cấp” cũng chậm lại một thời gian. Tuy nhiên nỗi ưu tư lo sợ đã hiện rõ trên mặt mọi người, chúng con đã bắt đầu nghe vọng lại từ khu III (chúng con là khu IV) đến Thanh Hoá, những cuộc đấu tố, gọi là tố khổ, và chúng con đã bắt đầu học “Kế hoạch tằm ăn dâu” nghĩa là dùng một nơi làm thí điểm để bắt đầu làm “chiến dịch” và “rút kinh nghiệm” của vùng thí điểm ấy áp dụng dần dần ra các vùng khác “cho được tinh vi hơn”.

Trong lúc tinh thần căng thẳng, tâm tư xao động, thì bom đạn tơi bời. Những hầm trú ẩn dài, hay vuông hay chữ nhật dùng cho cả gia đình, không thể dùng nữa, nhà nhà phải đào hầm cá nhân, sâu 2m50, rộng 1 m và bên trong phải khoanh một cái nòng đan bằng nứa để cho đất khỏi đổ sụp xuống. Chúng con đào 3 cái hầm thật tốt, mỗi hầm có một cây tre chặt hết cành lá còn một khúc nè ngắn ở mỗi mắt tre để làm cái thang lên xuống. Anh chị Khai, ở trước mặt nhà con thích 3 cái hầm của chúng con, nên lúc nào không có chúng con ở nhà mà có báo động thì anh chị chạy qua đem hai cháu nhỏ của con và cô em út của Anh Quỵ con xuống hầm. Anh chị Khai rất thương chúng con vì có một lần chị bị thổ tả mà con chữa lành, con có biết gì đâu nhưng ngày xưa học thì con biết là thổ tả, con chỉ cho uống nước gạo rang có bỏ gừng, nghiền nát thuốc stovarsol cho uống, và lấy đất sét giữa lòng ruộng, vo lại một viên đốt cháy cho vào một tô nước đun sôi để nguội rồi cho uống dần dần; thế là Trời giúp con nên chị lành bệnh.

Thường thường mỗi ngày ít nhất là một lần máy bay bắn phá và thả bom vùng xa xa hay miền lân cận, nhưng bao giờ cũng bay qua vùng con, có khi sà cánh rất thấp, bắn lẻ tẻ vào bờ bụi..., cũng có người trúng đạn bị thương hoặc chết nhưng rải rác thôi.

Bỗng ngày 1-6-1951, ngày ở ngoài ấy gọi là “Ngày Nhi đồng Quốc tế”, trường được nghỉ, vừa mới xong cơm trưa thì máy bay đến. Chắc vì gió ngược chiều nên máy bay đến gần mới nghe, thì tiếng trống và phèn la inh ỏi nổi lên (không có còi hụ báo động) dân chúng lúc ấy mới chạy ra hầm. Anh Quỵ con và Cô Chín, em út, chạy ra cùng hai cháu, cứ một hầm 1 người lớn 1 trẻ con, con chưa kịp ra (vì con đang chấm bài thi đệ nhị Lục cá nguyệt phải sắp xếp lại kẻo lạc) thì bom nổ đinh tai vỡ tim, Anh Quỵ con hốt hoảng la lên: “Nằm xuống, chờ lúc máy bay đến gần ngang nhà thì chạy ra hầm”. Con vừa nhảy xuống hầm thì một cành cây mít gãy đổ ngang trên miệng hầm và bom nổ liên hồi, bắn phá rát lắm. Lúc hết máy bay chúng con leo lên thì trời đất mù mịt vì cát bụi, vì khói, vì cây cối xơ xác... Thì ra bom nổ ở Dinh Cụ Quận (dinh cụ Hoàng Cao Khải, cách nhà con độ 6, 7 trăm thước) vì dinh cơ đẹp, nhà cửa to lớn, xung quanh thành cao bao bọc, máy bay tưởng là cơ quan của chính phủ. Con nghĩ ngay đến cô Chanh (cô ở trong vòng dinh cụ Quận, cô là chị cô Khang dạy con năm lớp nhì 2e année). Dinh tan nát, hơn 150 người chết xác bay khắp mọi nơi cả trên bờ tre, ngọn cây... thật là một cảnh điêu tàn rùng rợn. Loa gọi dân đinh từ 20 - 50 tuổi đi nhặt xác để an táng. Nhiều gia đình không còn ai, có một cô gái 17, 18 tuổi vừa cơm trưa xong thì gánh gánh đậu hủ đi bán như thường ngày thì dinh bị bom, sau cô trở về thì cha mẹ, anh chị em đã mất hết rồi. Thế là từ ngày ấy vùng Châu Phong của con trên bờ sông La bị bom hàng ngày, có hôm đã gần tối rồi mới dám họp chợ mà máy bay đến thả bom ngay chợ, cũng chết mấy chục người.

Độ khoảng giữa tháng 6, gần chỗ con có đồi Linh Cảm, đồi thông xanh rất đẹp, cảnh trí rất nên thơ, đó là một địa điểm rất quan trọng về quân sự vì đồi Linh Cảm ngó ngay ra chỗ sông Phố Châu, gặp sông La, tức là ven đường số 8 lên Lào đến Thakhet, nên ngày trước quân đội Pháp có đào địa đạo khắp đồi. Dân chúng quanh vùng không đào hầm, cứ có trống phèn la báo động là chạy lên hầm địa đạo ấy. Ngày ấy chắc dân chúng chạy lúc tầm máy bay thấy được, nên một trận bom dội xuống đồi Linh Cảm, gần 200 người chết, bị thương cũng nhiều lắm. Cả vòng địa đạo khúc khuỷu (nơi thì góc nhọn, nơi góc vuôn...), quanh đồi bị bom dội sập chết hết, cả đồi thông xanh tan nát, trốc gốc, cây nào còn lại thì trơ trụi giơ bộ xương không còn một ngọn lá. Ở nhà con nhìn lên đồi, cách độ 200 m, mấy ngày sau, quạ đánh hơi về đậu quanh kín cả đồi. Ngay tối hôm ấy Anh Quỵ con phải đi theo đội đi đào nhặt xác và chôn cất. Công việc chỉ làm ban đêm thôi vì ban ngày, từ hôm ấy, mọi việc tạm ngưng, trường tạm đóng cửa, nhà dậy 4 giờ sáng, ăn uống cho xong 6 giờ sáng phải ra hầm ngồi, 8 giờ tối vào ăn tối, rồi đàn ông từ 20 - 50 tuổi phải đi nhặt xác đến 1, 2 giờ sáng mới về (hơn một tháng mới xong nhưng mấy tháng sau đi ngang qua đồi Linh Cảm vẫn còn mùi ám khí).

Trong trường con có cụ Nguyễn Duy Quang (bạn của Vua Bảo Đại, sau này làm Đại sứ bên Paris) thuê một cái nhà trên núi xa, cách đê Châu Phong 7, 8 km, cụ và một người quen cụ bảo chúng con cứ 4 giờ sáng dậy nấu cơm rồi mang đi, lên trên núi ấy tránh bom, tối về. Chúng con đi theo. Sáng nào cụ và người bạn cũng qua nhà con cõng hai cháu với Anh Quỵ con, và cô út và con xách áo quần các cháu và giỏ cơm đi. Sáu giờ ra về, thì về nhà cũng vừa sửa soạn cơm tối. Sáng ngày 30 tháng 6 ấy con đau, sốt và run nữa, như sốt rét, con lo cơm nước chuẩn bị để đi, con nói với Anh Quỵ con cùng cô út đi với hai cháu như thường, anh con bảo nếu ở nhà thì ở nhà hết. Đến khi cụ Quang và bà bạn đến nghe nói vậy cụ bảo: “Anh ở nhà với chị là phải, không để chị một mình được. Nhưng cô út và hai cháu đi theo hai bác, hai bác lo cho.” Chúng con lại ra hầm ngồi bên miệng hầm. Con vừa chấm xong xấp bài Lý Hoá, con vào trong nhà để xếp thứ tự vì là bài thi lục cá nguyệt. Lúc ấy độ 1 giờ trưa, con cũng không nhớ rõ, bỗng báo động máy bay đến. Anh Quỵ con gọi tới tấp, con chỉ kịp chạy ra nhảy xuống hầm chớ không đủ thì giờ để bước trên những khúc nè của cái thang tre... thì bom nổ quả đầu tiên, ở xa lắm nhưng tự nhiên nóng rực như thiêu, không có lửa nhưng sức nóng và mặt trời cuối tháng 6, và lòng hầm đan bằng nứa đã khô, có lẽ như vậy, tự nhiên vòng nứa trên miệng hầm cháy. Anh Quỵ con la lên: “Lên lập tức, nằm nép theo bờ tre”. Rồi anh bảo con cứ nép sát bờ tre nhìn phía trước, lúc nào thấy anh bò là phải bò thật nhanh, lúc nào anh nằm im là phải nằm thật im đừng nhúc nhích. Thế là cứ khi nào máy bay đến cách độ 7, 8 m là bò thật nhanh cho đến lúc máy bay qua độ 7, 8 m rồi nằm im... Cứ như vậy chúng con bò xa dần nơi nguy hiểm ra bờ ruộng xa. Máy bay bắn các bờ tre nhiều lắm, con không hiểu vì lẽ gì chúng con thoát được. Lúc đến bờ ruộng xa thì dân chúng đã trầm mình trong bùn ruộng. Lúc ấy vì quá lo sợ, hãi húng, nên chân tay rách nát vì gai góc, trúc, tre, nè, hóp đâm thủng, hai đầu gối và hai cùi tay quần áo mòn rách và chợt da giơ thịt thế mà xuống bùn cũng chẳng thấy đau rát gì cả, và con cũng chẳng nghĩ đến mà sợ con đĩa nữa. Máy bay vẫn bay quanh vùng, bắn phá không ngừng, chỉ có 2 hay 3 chiếc thôi, hồi ấy người ngoài ấy gọi là máy bay “bà già”. Vào khoảng 4, 5 giờ chiều một tiếng nổ long trời lở đất, không khí bỗng nóng hừng hực và một dòng sông lửa, ngọn cao lên tận mây, chạy dài phía xa kia, “thôi cả vùng ven bờ đê Châu Phong cháy rồi” mọi người đều la hoảng nhưng tiếng tắt nghẹn, vì quá kinh hoàng, không ai lên tiếng khóc, chỉ trố mắt nhìn dòng sông lửa. Trời tối đã lâu rồi nhưng phía chân trời xa xa kia mây đỏ rực. Chắc cũng đến 10, 11 giờ khuya mọi người từ các đám ruộng mới leo ra khỏi bùn và về nhà.

Lúc về gần nhà, nóng như một lò lửa, lửa ngọn tắt rồi, nhưng ven bờ đê dài, một vồng than như một dải đồi thấp suốt dài con đê còn đỏ đượm. Chỉ có hai quả bom Napalm (con chắc là hai quả vì trong suốt thời gian bò ra ruộng con không nhớ có bom) mà tàn phá cả dãy nhà ven đê dài mấy chục cây số!

Chúng con thật là hoàn toàn trắng tay. Lại thêm một bước rẽ trong cuộc đời.


Nay kính,

Con,

Thương Thương




Bài hát:    Ngày Mai Tươi Sáng

Ngày mai tươi sáng kia
Khi đoàn quân trở về
Súng rừng, gươm giáo với cờ vàng sao
Tô màu chiến thắng.
Đô thành vang tiếng cười,
Thanh bình ca vang trời,
Phố phường tươi thắm với những nụ cười
Nở trên ngàn môi.
Năm xưa quân đi
Quyết đem về một ngày toàn thắng
Qua bao năm tranh đấu tung hoành lòng vẫn không sờn
Đoàn trai hiên ngang
Một đêm hô vang hiện về chốn cũ,
Đuổi quân cướp nước, giữ lấy đô thành bất diệt ngàn thu.
Ngày về tươi vui
Nhưng giữa thủ đô ai luống ngậm ngùi,
Bao mái tóc xanh quấn vành khăn trắng,
Đôi má nhăn nheo lệ cuốn tơi bời
Chờ chồng mong con, ngày về chiến thắng
Trong toán quân về đếm thiếu những ai!


--ooOoo--


Bài hát:    Chiến Tranh Còn Dài

(Bài này sau này trong miền Nam của mình có sửa lại vài chữ rồi cũng đưa ra hát ở miền Nam)

Một chiều Anh bước đi
Em tiễn chân Anh ra tận đồi
Nghe dặn lời rằng: Kháng chiến còn trường kỳ
Rằng: Kháng chiến còn trường kỳ
và còn gian khổ!
Máu còn rơi, xương còn rơi
Bao lớp người tiền tuyến xông pha
Ngăn quân thù giày xéo dân ta
Dựng cuộc đời mới.
Một ngày vui tới (í) phơi phới
Như dòng sông ra đại dương
Qua bao ghềnh và đá cheo leo
Chiến tranh này còn dài, Em ơi!
Mới đến ngày toàn thắng.
Và xa xôi Em nhớ lời rằng:
Muốn có một ngày về
Thì kháng chiến còn trường kỳ
Và còn gian khổ!




***  Trang Gia Đình :  ~.~  GÓC VƯỜN CỦA MẸ  ~.~
      - Trần Thanh ĐạtDi Cấu Từ Đường
      - Trần Thị Hồng CẩmDuyên Thơ  (Trích tập thơ DUYÊN THƠ, 1948)
      - Trần Thị Hồng CẩmCảm Đề Bức Tranh Nhật  (Trích tập thơ DUYÊN THƠ, 1948)
      - Phạm QuỵThầy Nguyễn Đình Thuý  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1996)
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần I
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần II
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần III
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần IV
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần V
      - Thương ThươngDặm Mòn (Chốn Cũ)
      - Trần Thanh DiệuTiếng Sấm Đầu Mùa
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Cây Thế Hệ
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Phần I , Phần II , Phần III , Phần IV
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Phòng Nghĩa
      - Khanh TươngDo you think the dead can communicate with us?
      - Diên ChiCái Vùng Nắng Sáng Ngày Xanh Ấy...
      - Diên ChiKhung Trời Tuổi Ngọc  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1995)
      - Diên ChiBa Tôi  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1996)
      - Diên ChiHương Phấn Trùng Khơi  (Trích tập thơ HƯƠNG PHẤN TRÙNG KHƠI, 1998)
      - Trúc HuyPlaying In The Middle… / Chơi Giữa Mùa Trăng (Hàn Mặc Tử)
      - Trúc HuyThe Stars / Les Étoiles (Alphonse Daudet)
      - Trúc HuyNhững Vì Sao / Les Étoiles (Alphonse Daudet)
      - Trúc HuyVài Kỷ Niệm Về Trường Lycée Français Huế (I & II)
      - Trúc HuyVoici Le Hameau Vỹ Dạ / Đây Thôn Vỹ Dạ (Hàn Mặc Tử)
      - Trúc HuyBản dịch Anh-Pháp bài “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”
      - Trúc HuySchool Of My Heart… / Bỏ Trường Mà Đi (Chế Lan Viên)
      - Trúc HuyÉcole De Mon Coeur… / Bỏ Trường Mà Đi (Chế Lan Viên)
      - Trúc HuyTường Thuật Về Một Giấc Mơ Kỳ Lạ
      - Trúc HuyYou Must Live / Anh Phải Sống (Khái Hưng)
      - Trúc HuyA Silhouette In The Fog / Bóng Người Trong Sương Mù (Nhất Linh)
      - Quỳnh ChiSouvenirs de Huế avec ma Mère et sur la colline Quảng Tế à Nam Giao
      - Quỳnh ChiEssais d'interprétation - Un Rêve Étrange et Merveilleux
      - Thiết-Tranh TrầnÔng Nội tôi và ngôi nhà trên đồi Quảng Tế Nam Giao
      - Lang-Hoàn PhạmA Place Called Childhood
      - Lang-Hoàn PhạmOutside The Frame
      - Anna Quỳnh-Châu TrầnMaman - poème  (Prix PLUME D'OR 1990)
      - Văn TuyểnAnh Phải Sống, Bóng Người Trên Sương Mù, Chơi Giữa Mùa Trăng, Tôi Đi Học, Bỏ Trường Mà Đi, Bông Hồng Cài Áo, Buổi Chiều Hằng Cửu ...