HOME

My favorite
  Quotes on
  Happiness

Mạn Đàm về
  Chữ và Ngĩa
  (Trúc Huy)

École de
  mon Coeur ...
  (Chế Lan Viên)

A Silhouette
  in the Fog
  (Nhất Linh)

You Must
  Live
  (Khái Hưng)

School of
  my Heart ...
  (Chế Lan Viên)

Heart of
  Perfect Wisdom
  (Prajna
  Paramita)

Book Review

Góc Vườn
  Của Mẹ

My Family
  Photos

Viet Links

Email :)

  ~~ Scenery ~~ 



Hồi Ký của THƯƠNG THƯƠNG
NHỮNG NĂM DẠY HỌC LIÊN KHU IV
( 1946 - 1952 )
~ Phần II ~




Falls Church, 26 tháng 3 năm 1995


Kính Thầy Cô,

Con xin kể tiếp những chuyện ngày xưa lúc con ở ngoài vùng Khu IV, mong rằng sẽ đem lại đôi phút giải khuây cho Thầy Cô.

Hồi học ở Đồng Khánh, khoá của chúng con là lúc Thế Chiến thứ II, nên trong chương trình con có lớp Infirmières Auxiliaires, mỗi tuần học trọn buổi thứ năm và học kỹ lắm về bệnh lý, chẩn mạch, băng bó đủ kiểu, chăm sóc vết thương, tiêm thuốc... từ 1ère Année đến cuối năm 3e Année thì ra trường. Môn học này đã giúp con rất nhiều trong 7 năm trời con ở ngoài hậu phương. Và con cũng tổ chức trong trường con lớp học cứu thương vì con thấy cần thiết quá. Con chọn những em lớn ở lớp nhất và lớp nhì (ngày ấy học sinh lớn tuổi lắm, trong lớp con có một em trai con nhớ tên Phạm Khuyên đã có vợ và con gần một năm trong khi con mới bắt đầu có thai cháu Thanh Dương) cho học lớp cứu thương; các em gái nhất nhì có lớp may vá thực dụng (may áo cụt, quần chân què vì ở nhà quê họ không dùng quần đáy giữa, áo cụt đàn ông 5 thân..., cô Vinot có dạy con). Tiêm thuốc thì con dạy nhưng lúc cần tiêm thì con tiêm thôi. Sau đó trường con có một tủ thuốc, rất nghèo nàn, chỉ có bông, băng, rượu 90ồ, thuốc tím, teinture d'iode, aspirine, quinine, ganidan, dagénan... và nhiều nhất là thuốc ghẻ, con tự mua vật liệu chế lấy theo công thức con học do thầy Martin dạy (bây giờ con quên công thức rồi chỉ nhớ có lưu huỳnh) và thuốc đau mắt sulfate de zinc. Mỗi buổi chiều đến giờ “tăng gia sản xuất” là học sinh tất cả trường ai cần đến sự chăm sóc, theo thứ tự lớp nhỏ rồi đến lớp lớn sắp hàng chờ được lau rửa ghẻ lở mụt nhọt bôi thuốc, rửa mắt, điểm thuốc... vui lắm. Tuy cực khổ, thiếu thốn lắm, nhưng có lẽ tuổi còn trẻ, đời mới rộng mở, nên con và chắc tất cả mọi người, không ai than thở và lòng tràn đầy mộng ước. Mỗi buổi chiều cái lớp của con thành một cái bệnh xá nhỏ, bàn ghế được đưa ra sân, từng nhóm học sinh theo công việc đã chia cắt làm nhiệm vụ của mình. Và con cảm thấy rất vui vì con đã giúp ích được nhiều. Con còn nhớ một hôm có một em leo lên cột cờ nghịch, lúc truột xuống không để ý, một bắp chân trên phía trong, móc vào cái móc lớn để quấn giây kéo cờ, trên đà tuột xuống không sao giữ lại được, em mặt quần đùi, cái móc sắt móc vào thịt sâu cả hơn 1 cm, kéo cả một mãnh thịt lòng thòng. May lúc nào con cũng đến trường sớm độ nửa giờ; con ở trong lớp nghe khóc la ngoài sân, chạy ra thấy em ấy máu chảy tràn, con hoảng hồn cho bạn bè em bồng em vào nằm trên bàn; thế là con áp dụng cái học của con, cột ngang trên vết thương cho máu đừng chảy nhiều, rồi lau rửa vết thương, sát trùng, bỏ cả giây thịt lòng thòng (cả 7, 8 cm) vào rồi nghiền nát bột thuốc dagénan rắc lên, băng chân lại; và cho đi gọi cha mẹ em ấy đến đem em về và mỗi ngày ra trường thay băng. Con vừa làm mà vừa hồi hộp lo sợ, thầm khấn cho vết thương lành, vì con không làm thì chẳng biết đem em đi đâu, mà nếu làm mà hỏng việc chắc cũng bị tù đày. May quá, em ấy lành bình yên, và vết thương sát, sẹo dài nhưng không cồm. Lại một lần khác, mẹ một em trai học lớp nhì đến trường khóc bảo con bà bị tả suốt đêm ngồi trên miệng hố và sáng ra ngất xỉu. Con bảo với bà tìm thầy thuốc cứu em chớ con đâu phải là bác sĩ, bà bảo nếu con không cứu con bà thì đành để số phận đưa đến đâu thì đến chớ bác sĩ có có đâu, có một ông y tá nhưng tiền đâu mà mua thuốc và trả tiền y tá. Thế là con vừa cầu nguyện mà vừa cho thuốc liều vậy. Con chỉ có ganidan thôi, mà phải cho hàng ngày chớ không dám đưa một lúc mấy ngày sợ uống quá liều thì nguy, và bắt uống nước thật nhiều, nước gạo rang bỏ vài lát gừng và ăn cháo trắng nấu loảng đánh nhuyễn. May cho con, em ấy lành. Những chuyện may mắn nhỏ nhỏ như vậy cũng nhiều, nên sau này không phải chỉ các em học sinh mà rồi mấy người trong làng cũng đến xin thuốc.

Tổ chức xong tủ thuốc và một “đội cứu thương”, con lại phải nới rộng “tăng gia sản xuất” và “lao động ngoài trường”. Ngày ấy gỗ lim, kiền kiền... để làm nhà không có nữa, ai có chút đỉnh thì làm cột, kèo... bằng gỗ mít, nhưng gỗ mít cũng đắt vì ít, nhà nghèo chỉ làm nhà mái rạ, vách tre hay bùn và cột gỗ sầu đông (ở Huế gọi thầu đâu) hay tre, nên con cho trồng quanh trường một hàng cây sầu đông, cứ xen kẻ một cây lớn một cây nhỏ để có thể trồng khít khít mà cành lá không vướng nhau và lúc bán thì cứ bán xen kẻ, cây nào lấy đi thì trồng ngay cây mới vào. Thành cuối mùa xuân quanh trường có một vòm hoa tím rất dễ thương. Sầu đông thì rất dễ kiếm cứ bảo mỗi em đi đào một cây nhỏ đem đến là đủ.

Còn sinh hoạt ngoài trường thì bắt buộc phải đi hai tháng một lần không kể mấy lần do ủy ban địa phương tổ chức đi làm vệ sinh công cọng hay đào sữa đường sá... Con cho các em, mùa nắng ráo, lên đồi núi kiếm củi; sau mùa gặt đi nhủi tôm tép ngoài đồng. Nhủi tôm tép thì phải sau mùa gặt tháng 10, trời mưa dầm rét mướt và phải xin phép chủ ruộng, thường họ cho đi những cánh đồng xa vì gần thì họ để dành cho họ đi nhủi. Thường đi nhủi thì chỉ các em lớp nhì lớp nhất cùng đi với thầy. Bao giờ họ biết có học sinh đi như vậy là buổi chiều chờ sẵn để mua. Gánh củi xuống đồi thì bán ngay, con bảo em nào ở nhà cần củi thì cho đem về, em nào bán tại chỗ thì chỉ để cho trường 1/3, số tiền còn thì đem về cho cha mẹ. Đi kiếm củi thì vui như đi cắm trại vậy. Còn đi nhủi về mùa đầu đông, rét và mưa, mà phải đi xa thành mệt hơn, lại phải vát nhủi, vát oi. Cái nhủi giống giống như cái cào lá về mùa thu ở đây (rake) nhưng rộng độ gấp rưỡi và có cái nẹp ngay ở đầu và răng cài dày hơn. Đến nơi mấy đám ruộng họ cho phép nhủi thì chia cho mỗi lớp mấy đám. Học sinh đứng một hàng sát nhau (mấy cái nhủi cái này sát cái kia) dài theo một bờ ruộng, cứ cùng một lúc đẩy cái nhủi qua bờ ruộng phía đối diện, thế là cá, tôm, tép vào cả trong nhủi; nhấc nhủi lên bắt vào oi. Lại đứng thành hàng sát bờ, cùng đẩy nhủi trở lại bờ kia; đi nhiều nhất là hai vòng thì hết cá, tôm. Nhủi hết cả mấy đám ruộng có khi cũng đầy cả oi. Nhủi cá thì con cho các em mang về vì mùa đông rét mướt, thức ăn khan hiếm tội nghiệp lắm.

Công việc trường con tiến triển khả quan. Thấm thoát mà sầu đông của con đã sắp bán lứa đầu, có người đã đến cho giá 350$ một cây (hồi ấy mỗi cái trứng gà độ 25 - 30$, sau này một cái trứng hay một trái chuối 200$, một viên aspirine 250$...).

Gần giữa năm 1949, một luồng gió đặc biệt thổi vào Việt Nam làm thay đổi nếp sống. Một hôm con được giấy bảo phải đi họp khẩn cấp. Đến nơi thì họ cho biết “Hồng quân Trung Hoa đã đại thắng” và Việt Nam sẽ theo gót “đàn anh vĩ đại”. Sau buổi họp một người lên dạy cho chúng con hát bài “Hồng quân Trung Hoa”. Phải học thật thuộc để về tập lại cho học sinh. Thế rồi trong làng, xóm... bắt đi họp ban đêm. Sau khi đi họp liên tiếp độ một tháng thì chị giữ cháu Thanh Dương của con (lúc ấy cháu 2 năm mà yếu lắm vì con không có sữa cho bú no, mà sữa bò hộp không có, thành cháu cứ phải uống nước cháo thay sữa) khóc nói với con: “Em phải bỏ Cô, em thương cô lắm, thương em bé lắm. Nhưng một tháng nay họ kêu em đi họp cứ bảo em là không ai làm nô lệ cho ai cả, đi về đi, không được đi làm công cho ai. Em nói với họ là Cô không bóc lột em, em làm với Cô, em có ăn có mặc, em về nhà có thể chết đói. Mà họ doạ em nếu không chịu thôi việc họ sẽ bắt em.” Thế là hai chúng con ôm nhau cùng khóc và chị ấy ra về. Con một thân một mình, Anh Quỵ con ở xa...

Như trong thư trước con thưa Thầy Cô, lúc đầu Anh Quỵ con ra Hà Tĩnh là làm ở Toà Án Đức Thọ (sau này không có toà án nữa). Hằng ngày đi xe đạp phải qua bến đò Kẻ Tàng, rồi đạp xe 6, 7 km, mỗi ngày đi về 14, 15 km bằng xe đạp thì cũng không có gì vất vả đối với tuổi 23, 24. Nhưng 6, 7 km đường bị đắp ụ quanh quẹo, họ bắt dân đào đường lên, đắp từng ụ cao độ 1 m, lấy mấy cái traverse của đường xe lữa đắp hai bên và trên chóp ụ “để cho quân đội Tây không thể cho xe tiến vào nhanh” thành phải đi quanh co vì một đoạn đường độ 10m ụ bên mặt, độ 10m ụ bên trái... suốt đường dài như vậy. Rồi đến một đoạn đường làng tuy ngắn nhưng đầy cả gai, tre, trúc, nè, hóp. Mà xe đạp còn lại ngày xưa, bánh xe còn lại ngày xưa không có cách gì mua lại được. Thế là tối nào cũng độ 9 giờ anh con về, ăn cơm xong là vá lốp xe đạp đến 11, 12 giờ khuya mới xong. Một tháng 30 ngày vá lốp xe 30 đêm. Thế là anh con đau không làm đó được. Trường Huỳnh Thúc Kháng, lúc ấy ở Chợ Bông (gần Hương Khê) vội gọi anh con đi dạy Pháp văn cho lớp Tú tài hai. Anh con lên ở trên đó đi dạy, vui lắm vì nhiều bạn bè vì hoàn cảnh đất nước học hành đang dở dang đều ra dạy. Anh con ở trọ nơi một nhà nông dân. Một thời gian ngắn trường dời về Châu Phong (gần đồi Linh Cảm) thì mở thêm hai lớp dự bị Đại học, họ lại đưa anh con lên dạy dự bị Đại học. Anh con ở trọ nhà một người không quen, có người chỉ cho vậy thôi, nhưng họ không nấu cơm trọ, thế là anh con phải ra quán ăn, mới một vài tuần thôi là anh con bị đau thương hàn rất nặng. Thế là con làm đơn xin người dạy thế một thời gian và theo anh con đi nhà thương. Thật ra lúc ấy con không biết bác sĩ nào cả, có cụ Đốc Kỷ (cụ Lê Văn Kỷ) có con là bạn với chị con, cùng ở nội trú Đồng Khánh xưa, nên con tìm đến cụ. Cụ bảo mướn một nơi gần phòng mạch của bác sĩ.

Trong thời gian Anh Quỵ con chữa bệnh con đến gặp ngay thầy Phạm Đình Ái, lúc ấy làm Tổng giám đốc Học Chánh khu IV, con xin thầy cho con thôi việc, tuy lúc ấy không có việc làm là một điều rất nguy biến nhưng con không có cách gì hơn. Thầy thương chúng con vì thầy là thầy dạy chúng con, nên thầy bảo cho con thôi ngay và nhận việc mới ngay tại trường Trung học Phan Đình Phùng, gần trường Huỳnh Thúc Kháng. Thế là con không mất một ngày nào và con được nghỉ thêm một tháng để chăm sóc Anh Quỵ con. Lúc ấy mấy khoá tu nghiệp cũng hết. Con trở về trường bàn giao công việc, chưa có hiệu trưởng mới chính thức, chỉ bàn giao cho ông quyền hiệu trưởng là người con xin đến dạy thế con lúc con đem anh con đi nhà thương. Con có cho mời ông Chủ tịch ủy ban địa phương đến vì ông ấy không phải là hiệu trưởng mà Anh Quỵ con thì đau nặng quá con đâu làm sao hỏi ý kiến anh ra sao cho hợp pháp hợp lệ. Đến khi Ban tài chánh đưa sổ sách thì, thưa Cô, quỹ trường đã được hơn 1 triệu 7. Con không ngờ vườn dâu của chúng con lúc đầu cứ 15 ngày bán một lứa hơn 1.500$ lần lần rậm rạp tốt và mùa đông bán mỗi lứa 3, 4 ngàn; và đi củi không bao lăm và bán mấy chục cây sầu đông mà được như vậy. Nhưng nghe nói 1 triệu 7 tưởng nhiều chớ khi ấy đời sống đã đắt đỏ quá rồi. Và đó cũng là cái thời may chớ sau này vườn dâu chắc phải bỏ vì phụ nữ nông thôn không còn lo việc nội trợ, đồng áng, tầm tang... nữa. Đã có phong trào hát bài vè:

      Mẹ mi mô rồi hỡi!
      Tao đi tỉnh mới về,
      Chộ một chuyện hay ghê,
      Trước vườn hoa bưu điện,
      Các phụ nữ thành Vinh
      Cùng nhau họp mê-tinh,
      Họ hy sinh chiến đấu,
      Thề một lòng chiến đấu.
      Họ làm mình thêm xấu
      Nghĩ đến gấy ở nhà
      Chỉ dưa, nhút, lợn gà,
      Rồi ngồi lê mà học chuyện,
      Mẹ con ngồi trảo chuyện...

Bài dài lắm, ngày nào họ cũng dạy hát khắp đường, khắp sá, thế là tự nhiên nó vào tai thôi, con không nhớ hết, chỉ nhớ ngang đó thôi, ngẫm nghĩ thì nhớ thêm.

Con từ giã ngôi trường mà con đã đễ hết lòng, hết tâm trí để xây dựng với lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, và đám học sinh con yêu quý mà ngày nay mỗi lần nhớ lại con vẫn cảm thấy nặng trong tâm, không một bài diễn văn, không một tách nước trà... chỉ mấy cái vẩy tay, vài lời thân mật... Trước khi ra về cho kịp trở về nhà thương trước khi trời tối mịt, vì mùa đông ngày ngắn lắm, các em học sinh 9 lớp đã đứng sắp hàng ngoài sân, con vội chạy vào từng lớp một, nhìn quanh cái phòng trống, rồi nhìn lên hai bức tường hai bên với mấy cái bản đồ mà con đã mất mấy chục ngày chủ nhật, với sự giúp đỡ của Anh Quỵ con, kẻ ô vuông, vẽ, tô màu (bản đồ lớn lắm nên mất nhiều thì giờ) với biển thì hoà viên dương xanh (dương áo quần ngày xưa), núi thì pha đất đỏ vào vôi, và có pha một chút keo cho vôi khỏi rã. Rồi đi vội ra bến đò để qua sông, còn phải lên bờ đi bộ 8 km mới đến nhà thương. Tất cả các thầy, cô và học sinh đứng rợp cả bãi sông, cả hàng trăm bàn tay vẩy vẩy... Thuyền qua đến bờ bên kia con còn quay lại nhìn, những bàn tay vẩy đã mờ trong sương chiều mùa đông. Từ đó con có gặp ít học sinh, và cả phụ huynh học sinh... nhiều lần vì họ tìm đến thăm con chớ con chưa bao giờ trở lại trường xưa, ngôi trường Dỹ Long bên bờ sông La nước trong vắt và cát trắng lòng sông!

Anh Quỵ con lúc ấy đau nặng lắm. Thường bệnh thương hàn cố gắng giữ cho qua được 21 ngày thì hạ sốt và bớt dần, thế mà anh con trên 25 ngày vẫn còn mê mang. Cả một tháng rưỡi mới lành.

Lúc ấy chiến tranh lan rộng. Họ cử 3 ông bác sĩ đến trường Huỳnh Thúc Kháng để khám sức khoẻ và tuyển binh. Ba ông bác sĩ là ông Xuân, ông Tố và ông Lai (con nhớ hình như ông Nguyễn Trọng Lai, còn hai ông kia con quên họ) nghe nói đến trường hợp của Anh Quỵ con, họ vội tìm đến cái phòng trọ của chúng con thăm chúng con và gặp cụ Đốc Kỷ. Rồi sau có Bác sĩ Đoái, bà con với cô Phước và cô Cầm, có ba con trai học với anh con, cũng đến thăm. Thế là cả năm vị cùng giúp chúng con vì lòng nhân đạo. Có lẽ nhờ vậy mà bỗng nhiên một buổi sáng anh con mở mắt sau một cơn mê có đến 4, 5 ngày, và mạch hạ dần.

Một tháng sau không thuê được nhà, chúng con thuê một miếng đất gần bờ đê ven bờ sông La Giang chảy qua Châu Phong, cất một mái nhà tranh nhỏ rồi về ở đó. Lúc đó chỉ còn độ một tuần là đến Tết năm 1950 (là Tết năm Dần, con không biết gì Dần).

Cuộc đời chúng con rẽ qua một bước ngoặc và đất nước cũng thay đổi lớn lao. Đời sống rất đắt đỏ, bạc ra giấy 5.000$ (trước chỉ có 1 và 2), một cái trứng gà 200 - 250$, một trái chuối 200 - 250$, một bó rau cải nhỏ 300$ (chỉ nấu được 2, 3 bát canh). Và việc lớn hơn hết là thay đổi lương công chức, tất cả mọi người không kể chức vụ, học vấn, bằng cấp... mỗi tháng 35 kg gạo. Cứ đến ngày 20 trong tháng thì họ xem giá gạo rồi tính ra (thí dụ ngày 20 tháng này gạo 200$ một ký tức là lương mỗi người 200$ X 35 = 7.000$) thì họ cho lãnh một nửa là tiền (3.500$) còn một nửa là lúa ( 17 kg 5 gạo cũng như gần 35 kg lúa ) mà lãnh lúa phải đi rất xa, có khi cả 30 km, vì vậy bao giờ cũng lãnh ngày chủ nhật. May cho chúng con là hai vợ chồng làm chung một sở, lãnh lúa chung một ngày và một nơi; nên chỉ thuê một người đi theo gánh về hai phần lúa là 70 ký. Khi nào cũng Anh Quỵ con đi vì con không sao đi về 50, 60 cây số một ngày. Tội nghiệp những người gánh lúa họ cũng nghèo quá, đi gánh lúa để được tấm, cám, nấu cháo ăn và nuôi heo, còn trấu để ủ lửa thôi, chớ không lấy tiền thuê. Họ đem lúa về xay, giã rồi gánh gạo lại cho mình, được bao nhiêu thì nhờ bấy nhiêu, chớ có cân lượng gì đâu.

Chúng con phải bắt đầu đi học tập chính trị một tuần hai lần, tối thứ ba và tối thứ sáu. Đi dạy về ăn cơm gấp ra trường học tập từ 8 giờ tối đến 11 giờ khuya. Mỗi người phải có một quyển sổ học tập, đó là “lá bùa hộ mệnh” của mình. Đau có thể xin nghỉ dạy nhưng đi học tập thì phải đi, đi công tác gì ở xa, việc đầu tiên đến nơi ấy là phải đi tìm chỗ học tập chính trị của địa phương đó để đi đến học tập, cho có chữ ký của trưởng ban ở nơi đó. Nghĩa là một năm có 52 tuần thì sổ học tập phải có đủ 104 chữ ký.

Chúng con là công chức giáo dục phải lo vụ đạc điền, chính phủ bắt phải đo lại ruộng đất, tính lại diện tích từng đám ruộng một để sửa sang thuế má. Thế là cả 3 tháng hè chúng con không được một ngày nghỉ. Từ sáng sớm ra đi, mang theo một củ khoai, củ sắn, hay một vắt cơm, phải giăng dây, chia hình, đo từng li từng tí, cái thì hình vuông, cái thì chữ nhật, cái thì tam giác, hình thang, muôn hình vạn trạng..., phải lội xuống nước bùn... Con sợ con trùn, con đĩa..., con đạp phải con trùn là sợ đến chết giấc, nếu con đỉa cắn chắc con chết thật. May quá, các anh trong trường làm biếng làm toán, và với tâm trạng vạn mối lo âu cọng trừ còn sai nữa huống chi là nhân chia. Nên thấy con sợ trùn, sợ đĩa, các anh sướng quá bảo: “Mấy chục đám ruộng của Chị để chúng tôi đo cho. Còn mấy trăm đám ruộng của cả nhóm chúng ta, Chị lo cọng, trừ, nhân, chia lấy.” Thế là con mừng quá sức, mấy trăm đám ruộng chớ mấy ngàn đám ruộng con cũng xin chấp tay vái cảm tạ. Thế là con phải làm một danh sách: Anh A, Anh B, Anh C... (Trung học của con chỉ có con là đàn bà) rồi mỗi anh có từng tờ giấy nhỏ, mỗi nhóm độ 2, 3 anh, giăng dây, đo, ghi vào từng tờ giấy nhỏ, đem lên bờ đưa cho con, con phải để riêng từng nhóm A, B... vì công tác phải báo cáo từng người. Chiều ra về là mấy anh yên. Con thì về, ăn cơm tối xong, là thắp một ngọn đèn dầu (thứ dầu gì chứ không phải dầu phụng) nơi cái dĩa nhỏ có một sợi tim bấc và con làm toán 1, 2 giờ sáng mới xong. Rồi sáng mai lại ra đi một nơi khác; có nhiều khi phải đi xa lắm.

Xong công tác đạc điền đến bình nghị; bình nghị thì phải họp đêm, họp chung với ủy ban địa phương và đại diện nông dân, để chia lại cấp đẳng của các đám ruộng: nhất đẳng điền, nhị đẳng điền, tam... tứ... Cả một vấn đề gay go vô cùng... Mấy người chủ ruộng nghe đám ruộng của mình thuộc loại “nhất đẳng” là sợ muốn tắt thở. Sau này con mới hiểu vì sao. Sau khi bình nghị đẳng cấp, đến bình nghị thu hoạch. Ba tháng hè qua, ba tháng ngày ngày trên trời, dưới ruộng, chúng con lại tiếp tục ban ngày đi dạy, ban đêm ngoài thứ ba, thứ sáu học tập chính trị, đêm nào cũng đi họp. Đến khi bình nghị thu hoạch, con mới hiểu rõ vì lẽ gì “được bảng hiệu nhất đẳng, nhị đẳng...” là như bị cái án “chung thân khổ sai”. Con phải làm một thí dụ Thầy Cô mới biết chớ không dự buổi bình nghị ấy thì khó lòng hiểu được nỗi khổ của người “bị gọi là phú nông”. Ông chủ tịch đưa tên, thí dụ Ông Nguyễn ở làng ấy có một đám ruộng diện tích 10 mẫu... giáp ranh giới làng X và làng Y, được chấm “nhất đẳng điền” một mẫu trung bình (chớ không phải lúc được mùa) mỗi năm hai mùa là bao nhiêu? Thế là có 2, 3, 4 ngón tay giơ lên. Được hỏi “mỗi mùa ở đó bao nhiêu” họ trả lời “mỗi mùa 20 tạ, hai mùa 40 tạ; lúc được mùa có thể được 60, 70 tạ” và mấy ngón tay kia được hỏi cũng nói như thế. Sau này con mới nghĩ mấy ngón tay đưa lên là người họ sắp đặt. Người chủ điền thì hoảng hốt van lạy: “bao giờ được mùa mới được 20 tạ một mùa, còn phần nhiều chỉ có 12, 15 tạ” nhưng quyết định cuối cùng vẫn là: “Nhân dân bình nghị trung bình 30 tạ” và thuế là 15 tạ. Thế là người có 10 mẫu ruộng phải trả thuế 150 tạ trong khi họ chỉ thu được có 100 hay 120 tạ thôi. Họ không làm sao trả thuế nổi nên đơn xin hiến điền tới tấp. Nhưng chính phủ bảo: “Chính phủ không lấy của của ai cả.” Mà trả thuế là trả bằng lúa và lúa phải phơi, quạt cho kỹ. Chúng con đã từng chứng kiến một nhà gặt hái về, phơi quạt được 30 tạ, phải bán của cải trong nhà để mua thêm 20, 25 tạ mà nộp thuế. Chúng con là công chức giáo dục trong giai đoạn ấy, đâu đâu cũng có mặt; các ngành khác không có, có lẽ các ngành khác cán bộ nhiều hơn mà cán bộ nhiều người chính yếu là tuổi đảng chắc cọng, trừ, nhân, chia... không rành. Thế là từ khi xã hội, đất nước rẽ một bước ngoặc là chúng con không còn có ngày nghỉ, có khi một tháng 30 ngày, dạy có khi nghỉ được chủ nhật, chớ họp đêm thì đủ 30 ngày. Tội nghiệp nhất là chúng con có làm được gì trong những buổi họp ấy đâu, chỉ ngồi trơ mắt ngơ ngác nhìn một bên chính quyền, một bên nông dân giằng co cải vã nhau về thu hoạch, và chúng con đã chứng kiến mấy người được gọi là “phú nông” oà khóc khi chính quyền bình nghị “thuế 15, 20 tạ một mẫu”. Xót xa quá mà phải bình thản như mình đi xem một lớp tuồng trên sân khấu, mà một lớp tuồng không vui, không buồn vậy thôi. Thế mà phải thức đến 2, 3 giờ sáng.

Cuộc đời ăn không đủ no, rét không đủ mặc, ngày đi dạy, đêm đi họp 1, 2, 3 giờ sáng và kéo riết 5, 6 tháng. Thế là ai nấy đều đau, thế mà ai nấy đều phải kéo cày.

Lại thêm một chuyện mới được đưa ra áp dụng là vấn đề kiểm thảo, trong các cơ quan mỗi tuần một nhân viên tự làm một tờ kiểm thảo, họ đặt từng câu hỏi mình trả lời rồi khi họp lại mỗi người tự đọc tờ kiểm thảo của mình. Và mỗi năm kiểm thảo toàn tỉnh riêng từng cơ quan, thí dụ các trường trong tỉnh phải kiểm thảo chung. Khi nào họp hàng năm thì cả mấy tuần, làm vào nghỉ hè.

Đời sống mỗi ngày mỗi khắc nghiệt, lương tiền chỉ ăn rau, ăn dưa mà độ nhiều nhất là 10 ngày.

Con là đàn bà độc nhất ở cấp trung học nên con tuy phụ trách Toán và Lý Hoá nhưng chương trình nữ công, gia chánh, quản trị gia đình của 1ère, 2e, 3e Année con phải phụ trách hết. Nữ sinh ban Tú tài không học mấy môn này. Về gia chánh và quản trị gia đình, cứ dạy làm dưa, làm nhút, muối cà, làm mắm tép, mắm cá đồng (như thứ cá tép mà hồi con ở Dỹ Long cho học trò con đi nhủi vậy) và họ bắt dạy chất dinh dưỡng của dưa cải và nước muối, dưa cải là bổ hơn cả sâm nhung, thịt cá... vân vân và vân vân...

Đến đây con xin phép Thầy Cô ngừng tạm; xin Thầy Cô chờ thư sau con sẽ kể tiếp. Cuộc đời của dân chúng lồng vào lịch sử của đất nước.


Kính Thầy Cô vui mạnh,

Con,

Thương Thương




***  Trang Gia Đình :  ~.~  GÓC VƯỜN CỦA MẸ  ~.~
      - Trần Thanh ĐạtDi Cấu Từ Đường
      - Trần Thị Hồng CẩmDuyên Thơ  (Trích tập thơ DUYÊN THƠ, 1948)
      - Trần Thị Hồng CẩmCảm Đề Bức Tranh Nhật  (Trích tập thơ DUYÊN THƠ, 1948)
      - Phạm QuỵThầy Nguyễn Đình Thuý  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1996)
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần I
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần II
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần III
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần IV
      - Thương ThươngHồi Ký: Những Năm Dạy Học Ở Liên Khu IV - Phần V
      - Thương ThươngDặm Mòn (Chốn Cũ)
      - Trần Thanh DiệuTiếng Sấm Đầu Mùa
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Cây Thế Hệ
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Phần I , Phần II , Phần III , Phần IV
      - Khanh TươngTrần Công Tộc Phả - Phòng Nghĩa
      - Khanh TươngDo you think the dead can communicate with us?
      - Diên ChiCái Vùng Nắng Sáng Ngày Xanh Ấy...
      - Diên ChiKhung Trời Tuổi Ngọc  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1995)
      - Diên ChiBa Tôi  (Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG, 1996)
      - Diên ChiHương Phấn Trùng Khơi  (Trích tập thơ HƯƠNG PHẤN TRÙNG KHƠI, 1998)
      - Trúc HuyPlaying In The Middle… / Chơi Giữa Mùa Trăng (Hàn Mặc Tử)
      - Trúc HuyThe Stars / Les Étoiles (Alphonse Daudet)
      - Trúc HuyNhững Vì Sao / Les Étoiles (Alphonse Daudet)
      - Trúc HuyVài Kỷ Niệm Về Trường Lycée Français Huế (I & II)
      - Trúc HuyVoici Le Hameau Vỹ Dạ / Đây Thôn Vỹ Dạ (Hàn Mặc Tử)
      - Trúc HuyBản dịch Anh-Pháp bài “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”
      - Trúc HuySchool Of My Heart… / Bỏ Trường Mà Đi (Chế Lan Viên)
      - Trúc HuyÉcole De Mon Coeur… / Bỏ Trường Mà Đi (Chế Lan Viên)
      - Trúc HuyTường Thuật Về Một Giấc Mơ Kỳ Lạ
      - Trúc HuyYou Must Live / Anh Phải Sống (Khái Hưng)
      - Trúc HuyA Silhouette In The Fog / Bóng Người Trong Sương Mù (Nhất Linh)
      - Quỳnh ChiSouvenirs de Huế avec ma Mère et sur la colline Quảng Tế à Nam Giao
      - Quỳnh ChiEssais d'interprétation - Un Rêve Étrange et Merveilleux
      - Thiết-Tranh TrầnÔng Nội tôi và ngôi nhà trên đồi Quảng Tế Nam Giao
      - Lang-Hoàn PhạmA Place Called Childhood
      - Lang-Hoàn PhạmOutside The Frame
      - Anna Quỳnh-Châu TrầnMaman - poème  (Prix PLUME D'OR 1990)
      - Văn TuyểnAnh Phải Sống, Bóng Người Trên Sương Mù, Chơi Giữa Mùa Trăng, Tôi Đi Học, Bỏ Trường Mà Đi, Bông Hồng Cài Áo, Buổi Chiều Hằng Cửu ...