![]() ![]() Quotes on Happiness ![]() Chữ và Ngĩa (Trúc Huy) ![]() mon Coeur ... (Chế Lan Viên) ![]() in the Fog (Nhất Linh) ![]() Live (Khái Hưng) ![]() my Heart ... (Chế Lan Viên) ![]() Perfect Wisdom (Prajna Paramita) ![]() ![]() Của Mẹ ![]() Photos ![]() ~~ Scenery ~~ |
Hồi Ký của THƯƠNG THƯƠNG Falls Church, 16 tháng 3 năm 1995 Kính Thầy Cô, Vì con thấy Cô vui khi đọc thư con kể chuyện ngày xưa, nên hôm nay con cũng viết kể chuyện ngày xưa, hồi con đi dạy ở vùng Việt Minh để Thầy Cô đọc cho vui. Con ra trường Sư Phạm năm 1945. Hồi ấy thầy Nguyễn Lân (dạy con) làm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục, con không muốn đi dạy xa nên thưa với thầy khi nào có chỗ ở Huế con mới xin thầy cho con đi còn không cho con ở nhà nghỉ. Đến đầu 1946 thầy gọi con vào trong Bộ bảo con: “Nay có một chỗ cần lắm ở Hà Tĩnh cũng là quê của Phạm Quỵ (thầy cũng dạy Anh Quỵ con) vậy thầy bổ Chị ra làm tạm, thầy hứa nhiều lắm là một năm thôi sẽ đưa Chị về Huế.” Cùng lúc ấy cụ Nguyễn Khoa Phong gọi Anh Quỵ con đến bảo: “Bây giờ trường Luật đang đóng cửa, Anh dạy làm gì ở Khải Định, nay toà án Hà Tĩnh đang cần người, Anh tạm ra làm, tôi sẽ tìm cách đưa Anh về Huế, chậm lắm là một năm thôi.” Thế là chúng con xem như “Ông Trời sắp đặt” cùng ra đi đến một chỗ và cùng hy vọng một năm nữa trở lại Huế. Không ngờ chúng con ra đi biền biệt hơn sáu năm trời, mãi đến tháng 6 năm 1952 mới trốn về được. Sau khi con về được một tháng con có đến thăm Thầy Cô ở Gia Hội, lúc ấy hai cháu Thanh Dương và Lang Hoàn của con còn nhỏ xíu. Không ngờ con ra đi tháng 4 năm 1946 đến đầu niên khoá tháng 9 năm 1946 con bị làm Hiệu trưởng trường Dỹ Long, trường Tiểu học lớn thứ hai trong tỉnh Hà Tĩnh. Nói là lớn (trường có 9 lớp) nằm trên bờ sông La Giang trong vắt rất đẹp, gần bến phà Linh Cảm, chỗ rẽ sông Phố Châu đi qua Lào, nhưng nghèo không thể tả vì Việt Minh lên đã một năm rồi. Trường ốc thì tốt vì là cái xác ngày xưa còn lại. Lúc con bị cử làm hiệu trưởng, con không muốn nên con làm đơn xin nhường lại cho một ông cụ, cụ Chương dạy đó cũng ngoài 20 năm và lúc ấy hơn 50. Con lấy cớ mới ra trường (lúc ấy con 20 tuổi) chưa có kinh nghiệm và cụ Chương đã dạy ở đó lâu, giàu kinh nghiệm. Nhưng đơn con không được chấp nhận. Lúc bàn giao công việc, ông hiệu trưởng cũ giao sổ sách và quỹ trường còn đúng 17$. Con ngao ngán và con không hiểu với cái quỹ 17$ thì ông hiệu trưởng có cái tài như thế nào mà điều khiển trường bao năm nay; mà Uỷ ban hành chánh huyện và tỉnh thì bảo trường tự túc. Mà chương trình ngoài giáo dục còn tăng gia sản xuất, lao động, công tác xã hội... ngoài việc công tác xã hội như đào nương, vệ sinh hàng xóm... Có ủy ban họ gọi đâu là ngày chủ nhật ấy phải đi thì con khỏi phải lo. Còn tăng gia sản xuất ngày nào cũng có mõ rao khắp “Cá nhân tăng gia, đoàn thể tăng gia, người người tăng gia. Trồng một cây cà cũng báo cáo, trồng một cây cải cũng báo cáo...” Rồi “lao động là vinh quang, cá nhân lao động, đoàn thể lao động, người người lao động...” Con họp các thầy lại (có 1 cô, 7 thầy và con mà con là người nhỏ tuổi nhất), con không muốn làm giả như mọi người làm để báo cáo, hôm nay báo cáo trồng 10 cây cải, ngày mai 10 cây đã khô héo, nhưng trong sổ của ủy ban đã có 10 cây cải rồi... Con muốn làm thật và báo cáo thật, cho nên tăng gia phải có thực dụng. Con thấy miền ấy, Châu Phong, Hương Sơn, Linh Cảm, Dỹ Long... là vùng nuôi tằm dệt lụa. Có nhiều lúc phải đi mua dâu ở những làng xa từ 3 giờ sáng này ra đi, hái dâu mãi đến 8, 9 giờ tối hôm sau mới về. Trường con có một vạt đất trống rất rộng bên bờ sông, cỏ mọc um tùm, thế là trọng tâm tăng gia sản xuất đầu tiên của chúng con là khẩn hoang vạt đất ấy. Mỗi buổi chiều chỉ có một giờ thôi, mấy em lớn lớp nhất, lớp nhì và mấy thầy lo đào đất, đốt cỏ, đập cho mịn, xong đánh luống, đào lỗ... Cả tháng sau vạt đất đã xong xuôi. Không có một xu để mà mua cây và mua phân bón. Con phải xin mời một số phụ huynh học sinh nhờ họ kinh nghiệm xem vạt đất trồng được bao nhiêu gốc dâu và cần phân bao nhiêu, rồi con xin ai cho được mấy cành dâu, và xin mỗi người ai cho được 1/2 hay 1 ký phân bón. Thế là con có đủ (một cành dâu cắt khúc ra được 4, 5, 6, 7... trồng xiêng lại là lên rễ). Một tháng sau là trường đã có một vườn dâu cả ngàn cây (vì trồng sát nhau) xanh mướt. Thế là học sinh có mục tiêu hoạt động, nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước. Mỗi buổi chiều tưới nước thì thật là một cảnh vui tưng bừng, tạm quên được những lo âu sầu muộn. Nước sông La trong vắt, cát trắng lòng sông, học sinh đứng thành hàng cầm gàu làm bằng mo cau chuyền nước sông lên vườn dâu, làm theo dây chuyền, vừa làm vừa hát, reo cười... dưới sự hướng dẫn của các thầy, thế là một giờ qua nhanh như tên bắn... Hơn một tháng sau, thuyền bè qua lại khúc sông trường Dỹ Long (sau năm 1949 đổi là Mỹ Long) đã thấy: “Xanh xanh những mấy ngàn dâu, Và hơn hai tháng sau cứ 15 ngày thì bán một lứa dâu được hơn 1500$, và họ giành nhau để được mua dâu của trường, phải đấu giá, vì dâu trường đẹp không có một con sâu... Mấy lớp nhỏ thì các thầy và cô hướng dẫn trồng mấy luống cà hay cà chua... Nhìn các em vui mừng cầm 1, 2 trái cà bát hay cà chua đem về cho mẹ, lòng con cảm động đến rưng rưng nước mắt. Xứ nghèo, dân nghèo mà đời sống thời ấy quá cơ cực. Thưa cô, ngày ấy học sinh không có mực tím (mực xanh thì không có rồi, mực đỏ cũng không), không có phấn, không có ngòi bút... Mực tím chúng con phải ra đồng hay lên đồi hái trái mua về giã nát, vắt lấy nước, nấu sôi làm mực tím; nhưng không có alum mà bỏ vào một chút nên độ 3 ngày thì phải đổ vì có mùi hôi. Cây mua giống như đúc cây sim, nhưng lá và trái có lông nhiều, lá sim không có lông, hoa mua thì hoàn toàn giống hoa sim, có lẽ lớn hơn một chút, màu tím nhạt, mùa xuân nở ngát một đồi. Những người xa Huế như con không sao ngăn được nỗi khắc khoải nhớ đồi sim xứ Huế. Ở ngoài ấy không có sim. Trong các bài thơ làm ngoài ấy như bài “Màu tím hoa sim”: Những chiều hành quân Đó là đồi mua. Và trong bài thơ “Nơi ấy” của Lưu Quang Vũ có câu: Ở nơi ấy có một đồi mua tím, Trái mua không ăn được, cứng, có hột đầy và không tím, nhưng nước thì như mực. Phấn thì chúng con phải đi rất xa, đi với học sinh, đến một ruộng có bùn như đất sét trắng, đem về khuấy tan trong nước, lọc lấy nước ở trên cho khỏi cát, để lắng lại đổ hết nước rồi trộn với nước cháo loãng, vắt lại từng thoi dài, để dành dùng cho cả trường. Ngòi bút thì ai có một chút thùng bằng fer blanc ngày xưa, hay có một lần họ có bán mấy miếng nhỏ bảo rằng đó là nơi cánh máy bay bị bắn rớt thế là bán ra từng chút về tự cắt lấy ngòi bút. Giấy thì em nào có cha mẹ là công chức ngày trước thì có giấy họ dùng một mặt, mặt kia trắng thì em ấy là sang trọng nhất. Giấy ở ngoài ấy màu rất đen và lổm chổm cả cành tre thành viết hư hết ngòi bút mà nhiều lúc tre xướt đứt cả tay và mắc cả dằm tre trong tay. Kim may cũng hiếm lắm, có người phải tự mài một khúc thép, đập dẹp một đầu đục một cái lỗ để làm kim. Dụng cụ ở trường hoàn toàn không có gì hết. Con phải hướng dẫn làm cho mỗi lớp một cái compas, một cái équerre, một cái thước gỗ, tự làm lấy hết. Ngày chủ nhật con tự đến trường, vẽ trên hai tường lớp, lớp nhất và nhì (4 lớp) một bên là địa đồ thế giới, một bên là địa đồ Việt Nam vì chương trình có học. Lớp ba và tư thì địa đồ Việt Nam và tĩnh Hà Tĩnh. Lớp năm thì địa đồ tỉnh Hà Tĩnh và xã. Mấy cái bản đen thì bạc hết mà không có sơn. Mỗi buổi phải có em phụ trách, lúc đi học ghé một ruộng khoai lang, hái một nắm lá và giây khoai cầm nắm lá và giây ấy đánh kỹ khắp mặt bản thì mới viết lên được... Còn nhiều chuyện nữa Cô, vất vả lắm. Sau này con được đề cử đi học lớp tu nghiệp dạy trung học, lớp mở cho cả khu IV. Con thì thích văn chương mà con không dám chọn văn chương, con phải chọn toán và khoa học vì văn chương phải dính đến chính trị nhiều quá mà chính trị thì phải tô điểm cho chế độ, nên con chọn khoa học. Con học hai hè, mỗi hè học hai tháng, mỗi ngày 8 giờ chuyên môn; thứ bảy thì không học chuyên môn mà thực tập; bốn người dạy rồi sau đó phê bình, họp chuyên môn. Tuy dạy khoa học mà khi nào cũng phải giảng theo nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng”. Thật là một vấn đề rất khó khăn, nhiều khi thao thức cả đêm mà chưa tìm ra được ngày mai phải giảng cái bài này như thế nào để hợp với nguyên tắc “dân tộc”, phải như thế nào để đạt được “đại chúng”, còn “khoa học” thì tự nhiên bài khoa học hay bài toán dễ đạt rồi. Mấy lớp tu nghiệp ấy mở ở Lam Kiều (Hà Tĩnh) thành đầu hè Anh Quỵ con đi với con, đi bộ 20 km rồi ngủ đêm ở một quán nhỏ dọc đường, mai đi sớm 25 km đến trường. Hai tháng sau anh con đến đón về. Chớ nhiều người phải đi từ Thanh Hoá vào, từ Thừa Thiên ra. Lớp con chỉ có chị Ngọc Anh (dâu cụ Bữu Trưng) ở Thanh Hoá vào, chị học lớp chị Đệ; Chị Quới (em chị Hoa) hình như có học với Cô, từ Nghệ An hay Thanh Hoá, Trần Thị Tính (Quảng Bình ra) và con là bốn người đàn bà; con nhỏ nhất, chị Ngọc Anh lớn nhất, còn thì độ 20 anh, toàn lớn hết. Họ cho chúng con ở chung trong một gia đình nông dân, các anh cũng chia ra ở các nhà hoặc 3, hoặc 4 người. Hồi ấy có đường lối “tam cùng”, nghĩa là mình ở nhà nào thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với ngưới ta và nhà ấy có nhiệm vụ báo cáo về đủ mọi mặt về người ở trọ trong nhà. Buổi trưa thì chúng con ăn “tập thể” ở trường, buổi tối thì ăn ở nhà trọ. Họ nấu ăn thì mình phải làm với họ, chuyện ấy thì quá dễ vì vo gạo, nấu cơm, một nồi rau luộc hay canh rau... Xay lúa, giã gạo con cũng làm được vì giã gạo không giã chày vồ mà giã chày có cần dài rất nặng rất lớn, có một sợi giây dọc theo cái chày và treo cao, đầu cái cần là cái chày giã vào một cối đá lớn; mình đứng lên cái cần, vịn tay vào sợi giây, bước một chân đến trước thì tự nhiên cái chày giã xuống cối, giở cái chân lên thì cái chày ngóc đầu lên. Chúng con chia hai người giã gạo. Còn xay thì có cối xay làm bằng cây cau chẻ nhỏ nên nêm khít lại như gỗ, và cái chày có một giây treo, hai người (họ mạnh thì một người) nắm hai bên cái que ngang kéo cái tay xay. Các chị khi nào cũng cho con giã vì con nhỏ và yếu nhất. Khi xay lúa và giã gạo, chúng con hò, hát, đọc récitation... vui lắm. Con còn nhớ con bày cho các chị hát cái bài mà ngày xưa con có học trong quyển Lecture: “Il fait jour, le ciel est rose Ngày nay con vẫn còn thuộc cả. Nhưng có một chuyện gánh nước thì con không sao học được. Chiều nào cũng phải gánh hai gánh nước. Ba chị Anh, Quới, Tính giỏi lắm, các chị gánh được ngay. Mà từ chỗ cái khúc có cái giếng về nhà trọ đường xa và ngoắc nghéo lắm, con phải học mãi, mỗi một ngã bẽ là có cái gì để mà nhớ đường. Các chị tập mãi mà không sao con bỏ gánh lên vai được, vừa bỏ gánh lên chưa bước là con nghe như ai cầm cả nồi nước sôi xối từ đầu xuống, mặt con đỏ bừng không sao nhấc một bước chân. Sau bà chủ nhà bà thương (vì chiều nào con cũng phải khóc) nên bà cho con không phải hai cái thùng thiếc, cũng không phải hai cái ghè, mà là hai cái nồi đồng, gọi là “nồi 7” (con chẳng hiểu sao gọi là nồi 10, nồi 7, nồi 3), thế mà con cũng không sao gánh được; đau vai như bị gãy xương là chuyện phải nhưng như ai xối nước sôi từ đỉnh đầu xuống thì lạ quá. Sau mấy chị phải làm cách giúp con. Chiều nào đi học về chúng con cũng gánh nước rồi ra giếng tắm để cả áo quần ướt vậy, về nhà thay. Mấy chị gánh nước xong rồi thì hai chị tắm, một chị đi với con lấy cái đòn gánh lồng hai nồi nước vào, con cầm một đầu đòn gánh, chị kia cầm một đầu, về ngang cửa thì con bưng từng nồi nước vào đổ trong bể cạn, và phải đi hai chuyến mới được 4 nồi (2 gánh nước); sau đó mấy chị chờ con ngoài giếng, con tắm sau cùng và cùng về, nấu cơm, ăn cơm, xay lúa, giã gạo. May bà chủ nhà tốt nên bà không báo cáo xấu cho con, mà trong nhà còn cha mẹ, chồng của bà, em chồng... đông lắm mà sao con cũng không bị gì hết. Đến hôm cuối cùng của buổi học là ngày thứ bảy, chúng con đến trường gọi là “liên hoan” rồi chia tay và họ bảo mình phải làm một buổi cơm đãi chủ nhà. Bọn con đi chợ về nhà đang lo nấu nướng thì có máy bay, chúng con chạy ra hầm, nghe bắn và bom ở xa xa thôi. Sau khi hết máy bay chúng con chạy vào bếp tiếp tục nấu cơm, một chốc nghe khóc la quá sức thì thấy bà dâu trẻ trong nhà ấy, ôm cả bụng đầy máu me, chúng con chạy ra đỡ bà thì thấy ruột lòi ra cả một bao bà lấy áo ôm lại, chúng con tưởng bà bị bom; thì ra vì bom, ở xa thôi, nhưng trâu nó hoảng sợ (bà ấy đi chăn trâu bò đến mấy con) chạy tán loạn, bà sợ mất trâu chạy theo, nó húc bà lủng bụng. Chúng con sợ quá, mà con thì tánh dễ hoảng hốt, con khóc quá; thế mà ông cụ ở nhà tỉnh như không bảo: “Đừng la hoảng lên, để ta lo cho.” Thế là ông cụ đi ra vườn đào một củ nghệ, hái mấy thứ lá, con quên mất tên rồi, đem vào không rửa gì cả, bỏ vào cối giã nhỏ với một viên vôi ăn trầu lớn rồi bỏ ruột của chị người dâu vào, khép chỗ bị trâu húc (dài cả gang tay, may khúc ruột không thủng!) rồi đắp các thứ ấy vào, lấy vải buộc lại. Chị ấy đau la quá sức. Ông cụ nghe con xin cho chị đi nhà thương Lam Kiều, ông bảo ông đã làm nhiều lần thế “ở nhà quê trâu bò húc lòi ruột là thường, rồi lành hết, vào nhà thương có người chết”. Đêm ấy chị ấy la suốt đêm, chúng con thức suốt đêm với chị. Sáng hôm sau chúng con ra về cả. Thế mà năm sau chúng con trở lại, chị ấy lành thật đó Cô. Bữa nay con viết thư thế này Cô Thầy đọc mệt rồi, con xin ngừng sẽ viết tiếp sau. Kính hầu thăm Cô Thầy và các em. Nay kính, Con, Thương Thương *** Trang Gia Đình : ~.~ GÓC VƯỜN CỦA MẸ ~.~ ![]() |